‘Mỏ vàng’ bô xít lớn nhất Việt Nam mất 1.500 năm khai thác hết: Hòa Phát xin rút lui, Hóa chất Đức Giang quyết đeo đuổi đến cùng
Mỏ bô xít này từng lọt vào tầm ngắm của nhiều doanh nghiệp hàng đầu như Hòa Phát, Hóa chất Đức Giang nhờ vào tiềm năng phát triển lớn.
Theo Báo Thanh tra, tại một hội thảo mới đây, PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã trình bày tham luận về tiềm năng bô xít  của tỉnh Đắk Nông. Việt Nam hiện nằm trong nhóm các quốc gia có tài nguyên bô xít hàng đầu thế giới với trữ lượng ước tính khoảng 5,8 tỷ tấn. Trong đó, Đắk Nông đứng đầu cả nước với tổng trữ lượng quặng bô xít đã xác định lên đến 4,2 tỷ tấn nguyên khai, chiếm 47% tổng trữ lượng quốc gia, theo Quyết định 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
PGS.TS Lưu Đức Hải khẳng định: “Đắk Nông hội tụ đầy đủ các yếu tố để trở thành trung tâm công nghiệp bô xít - alumin - nhôm của quốc gia. Mục tiêu này đã được xác lập trong quy hoạch của Trung ương và địa phương, vấn đề còn lại là làm sao khai thác nhanh và hiệu quả nguồn tài nguyên này”.
Hiện tại, Nhà máy Alumin Nhân Cơ thuộc Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV là đơn vị duy nhất thực hiện khai thác, chế biến bô xít tại địa phương với công suất khoảng 0,65 triệu tấn alumin/năm. Theo tính toán của ông Hải, với công suất này, Đắk Nông sẽ mất hơn 1.500 năm mới khai thác hết trữ lượng bô xít.
Ông Hải cũng nhấn mạnh lợi nhuận từ ngành công nghiệp này là rất lớn khi chi phí sản xuất 1 tấn alumin vào khoảng 250 USD nhưng giá bán có thể đạt từ 500-700 USD. Chỉ tính riêng khai thác hết trữ lượng bô xít hiện có, Đắk Nông có thể thu về doanh thu từ 600-700 tỷ USD, lợi nhuận ước tính khoảng 300 tỷ USD. Bên cạnh đó, hoạt động khai thác và chế biến bô xít còn tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp khác như cơ khí, hóa chất  và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam trình bày tham luận tại một hội thảo. Ảnh: NVCC |
Hòa Phát rút lui khỏi dự án bô xít
Vào tháng 4/2022, Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG ) đã đề xuất đầu tư tổ hợp dự án alumin với công suất 2 triệu tấn/năm và nhà máy tuyển quặng đạt 5 triệu tấn/năm tại Đắk Nông. Nếu được tỉnh chấp thuận, Hòa Phát cam kết sẽ tập trung mọi nguồn lực để khởi công xây dựng, với tổng mức đầu tư ước tính khoảng 4,3 tỷ USD.
Tuy nhiên, tại ĐHĐCĐ năm 2024, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát, ông Trần Đình Long  chính thức tuyên bố Hòa Phát “đã buông tay” dự án này. Ông Long cho biết, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Nông, phía Hòa Phát đã khẳng định sẽ không tiếp tục tham gia để tỉnh có thể tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp hơn. Lý do được vị tỷ phú này đưa ra là chi phí đầu tư quá lớn trong khi Hòa Phát đang ưu tiên tập trung nguồn lực cho mảng sản xuất thép.
>> Hòa Phát (HPG) nói ‘lời buông tay’ với dự án khai thác ‘kho báu’ bô xít tại Đắk Nông 
Đắk Nông có thể thu về doanh thu từ 600-700 tỷ USD từ việc khai thác hết trữ lượng bô xít hiện có (Ảnh: Báo Đắk Nông) |
Hóa chất Đức Giang kiên trì theo đuổi dự án
Trái ngược với Hòa Phát, Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HoSE: DGC ) vẫn kiên định với mục tiêu đầu tư vào lĩnh vực này. Giữa năm 2022, UBND tỉnh Đắk Nông đã đồng ý để doanh nghiệp khảo sát các vị trí mỏ bô xít tại huyện Tuy Đức và Đắk Song, đồng thời triển khai nhà máy chế biến alumin tại huyện Đắk Song.
Dự án của Hóa chất Đức Giang có quy mô khai thác 14,4 triệu tấn quặng bô xít/năm với 3 nhà máy tuyển quặng, công suất 5,8 triệu tấn quặng tinh/năm. Tổng mức đầu tư cho cả hai giai đoạn lên đến 57.000 tỷ đồng (tương đương 2,3 tỷ USD).
Tại ĐHĐCĐ năm 2024 diễn ra vào cuối tháng 3, Chủ tịch Tập đoàn Hóa chất Đức Giang, ông Đào Hữu Huyền  khẳng định doanh nghiệp vẫn quyết tâm hoàn thiện các thủ tục pháp lý để triển khai dự án.
“Đây là dự án lớn vướng nhiều thủ tục, đòi hỏi nhiều bộ ngành liên quan cho ý kiến trước khi cấp giấy phép”, lãnh đạo của Hóa chất Đức Giang cho hay.
Theo báo cáo mới đây của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), dự án sản xuất alumin của Hóa chất Đức Giang dự kiến sẽ được cấp phép trong 2-3 năm tới, hoàn thành xây dựng sau 2-3 năm và đi vào hoạt động giai đoạn 2028-2030. Với công suất 3 triệu tấn alumin/năm, dự án có thể mang lại doanh thu khoảng 1,5 tỷ USD theo giá hiện tại, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng của doanh nghiệp và kinh tế địa phương.