Hoa hậu duy nhất Việt Nam từng là một điệp viên, nhà báo ‘khét tiếng’, tốt nghiệp Tiến sĩ ở nước ngoài
Bà sinh ra trong một gia đình danh giá khi có ông tổ được lưu danh tại Văn miếu Quốc Tử Giám.
Người phụ nữ ‘tài sắc vẹn toàn’
Bà Công Thị Nghĩa sinh năm 1932 là người con gái sở hữu dung mạo cực kì xinh đẹp, xuất thân trong một gia đình tiểu tư sản gốc làng hoa Ngọc Hà, Hà Nội. Dòng họ bà có truyền thống khoa bảng, với ông tổ là Ông Nghĩa Đạt, từng đỗ Bảng nhãn và giữ chức Phó Đô Ngự sử dưới thời vua Lê Thánh Tông. Sau này, vua Tự Đức đã đổi họ “Ông” của ông thành họ “Công”. Ngày nay, văn bia ghi tên Ông Nghĩa Đạt vẫn còn được lưu giữ tại Quốc Tử Giám .
Ngay từ thời trẻ, bà Nghĩa đã có niềm đam mê viết văn, viết báo và nghiên cứu sử học. Năm 20 tuổi, bà gia nhập Việt Minh, nhận nhiệm vụ điệp báo trong nội thành Sài Gòn. Đến tháng 7 năm 1952, bà bị mật thám Pháp phát hiện và bắt giữ, giam tại bót Catinat (nay là trụ sở Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP HCM, đường Đồng Khởi, quận 1).
Sau một thời gian bị giam tại bót Catinat, bà Nghĩa được chuyển sang Khám Lớn Sài Gòn (nay là Thư viện Tổng hợp TP HCM, đường Lý Tự Trọng, quận 1). Cuộc sống tù đày của bà chỉ kết thúc sau khi luật sư Nguyễn Hữu Thọ giành phần thắng trong phiên tòa.
Ra tù, với vốn kiến thức sâu rộng, bà tham gia một khóa học ngắn và bắt đầu sự nghiệp báo chí, chủ yếu viết về văn hóa nghệ thuật. Bà sử dụng bút danh Thu Trang, cái tên gắn liền với nhiều tác phẩm và công trình nghiên cứu lịch sử của bà.
Năm 1955, khi chính quyền Ngô Đình Diệm tổ chức cuộc thi hoa hậu, ban giám khảo bao gồm nhiều nhân sĩ, trí thức và nhà báo. Trong một lần phỏng vấn để đưa tin, một số thành viên ban giám khảo đã gợi ý bà tham gia vì vẻ đẹp nổi bật. Bị thuyết phục, bà tham gia cuộc thi với tâm thế nhẹ nhàng, ban đầu chỉ là… để vui.
Vào ngày 20/5/1955, nhân dịp lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam  đã diễn ra tại rạp hát Lido, khu Chợ Lớn. Sự kiện thu hút hầu hết các người đẹp từ Sài Gòn và các tỉnh miền Nam tham gia.
Do quan niệm của thời kỳ đó, cuộc thi không bao gồm phần thi áo tắm. Vượt qua nhiều đối thủ xuất sắc, Thu Trang đã đăng quang ngôi vị Hoa hậu. Á hậu 1 thuộc về Nguyễn Thị Ninh, một người gốc Hà Nội di cư vào Nam, và Á hậu 2 là Ngô Yên Thu, đến từ Cần Thơ.
Đáng chú ý, bà Thu Trang giành ngôi Hoa hậu với những chỉ số hình thể mà theo tiêu chuẩn hiện nay có thể không đạt chuẩn, đặc biệt về chiều cao. Bà chỉ cao 1m61, với số đo ba vòng là 86-62-88.
Phần thưởng cho danh hiệu Hoa hậu mà bà đạt được bao gồm một chiếc môtô hiệu Lambretta, kiềng vàng, nước hoa và nhiều loại mỹ phẩm danh tiếng. Giống như xu hướng của các hoa hậu thời đó, bà Thu Trang nhanh chóng bước vào làng điện ảnh và tham gia diễn xuất trong nhiều bộ phim nổi tiếng của Sài Gòn. Năm 1956, bà góp mặt trong các bộ phim như Chúng tôi muốn sống (đạo diễn Vĩnh Noãn) và Lục Vân Tiên (đạo diễn Tống Ngọc Hạp).
Cuộc tình đầy tai tiếng
Đầu năm 1957, bà cùng đạo diễn Tống Ngọc Hạp mang bộ phim Lục Vân Tiên sang Nhật để thực hiện công đoạn hậu kỳ và tham gia Đại hội Điện ảnh châu Á đang diễn ra tại đây. Trong gần một tháng ở Nhật, giữa bà và đạo diễn Hạp đã nảy sinh tình cảm và bà mang thai.
Trong hồi ký, bà chia sẻ: “Đến tuổi 25, tôi mới thành đàn bà trong hoàn cảnh bi thảm, bị cuốn vào những tình huống mà tôi cảm thấy không thể tránh khỏi. Điều oái oăm là, tôi hoàn toàn không hiểu gì về tình dục. Tôi đã mang thai ngay trong tháng đầu tiên ở Tokyo...”.
Trở về Việt Nam vào mùa thu năm 1957, bà sốc nặng khi phải đối mặt với sự giận dữ của đám đông tại sân bay, trong khi bà đã sắp đến ngày sinh nở. Đạo diễn Tống Ngọc Hạp - người đã có vợ con không thể kết hôn với bà. Mặc dù vậy, bà quyết định làm mẹ đơn thân và đặt tên con trai là Tống Ngọc Vân Tiên để kỷ niệm mối tình đầu đầy bi kịch.
Năm 1956, khi những người “kháng chiến cũ” bị truy bắt, bà nhận được tin mật từ các đồng chí cũ, khuyên bà nên rời Sài Gòn. Chế độ Diệm khi đó cho rằng việc bà ra đi êm ả là "để mất một Việt cộng".
Đến năm 1959, để tránh bị kiểm tra gắt gao, bà quyết định sang Pháp du học. Tại đây, bà theo học tại Đại học Sorbonne, chuyên ngành Lịch sử và Triết học. Đến năm 1978, bà nhận bằng Tiến sĩ Sử học tại Đại học Paris VII. Luận án Tiến sĩ của bà có đề tài "Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp" và bà cũng là tác giả của cuốn sách Những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc tại Pháp 1917–1923 được in tại Việt Nam.
Trong thời gian ở Pháp, bà gặp gỡ và kết hôn với Tiến sĩ Y học Marcel Gaspard. Sau bao thăng trầm, bà cuối cùng đã có một cuộc sống viên mãn. Ngày nay, nhắc đến Công Thị Nghĩa, người ta thường nhớ đến bà như một Tiến sĩ Sử học tài ba và yêu nước, hơn là hình ảnh một người đẹp hay nữ tình báo nổi tiếng của Việt Nam.
>> Nữ biệt động Sài Gòn - Khúc tráng ca bất tử: Những con thoi trong lòng thành phố (P1) 
Chuyện đọc sách nhìn từ phát ngôn của hoa hậu Kỳ Duyên 
Hoa hậu Phương Lê bật khóc, xin lỗi vì vụ ồn ào chế lời Quốc ca