Hòa Phát (HPG) và giấc mơ thép Việt cho xe Việt
Từ những sợi thép tanh lốp siêu mảnh đến kế hoạch làm chủ tôn silic – vật liệu quan trọng của động cơ xe điện, Hòa Phát (HPG) đang lặng thầm xây dựng nền móng cho ngành công nghiệp ô tô nội địa, bắt đầu từ những thứ tưởng chừng chỉ có thể nhập khẩu.
Tập đoàn Hòa Phát – cái tên gắn liền với ngành thép tại Việt Nam – đang bước vào một giai đoạn chiến lược mới khi đặt trọng tâm phát triển vào các ngành công nghiệp đầu cuối, trong đó nổi bật là công nghiệp ô tô.
Từ những sản phẩm thép chất lượng cao đến việc đầu tư dây chuyền công nghệ tối tân, Hòa Phát đang từng bước khẳng định vị thế của mình không chỉ trong nước mà cả trên thị trường quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất nguyên vật liệu cho ô tô và xe điện.
Tầm nhìn chiến lược: Từ thép xây dựng đến thép kỹ thuật cao cho ô tô
Từ lâu, thép xây dựng là mảng kinh doanh cốt lõi của Hòa Phát, tuy nhiên, ban lãnh đạo tập đoàn, đứng đầu là Chủ tịch Trần Đình Long , đã định hướng mở rộng và nâng tầm sản phẩm, tiến vào phân khúc thép chất lượng cao phục vụ ngành công nghiệp nặng như cơ khí chế tạo, đường sắt, đóng tàu, đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô.
Một trong những bước đi quan trọng nhất là việc triển khai Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2. Với quy mô đầu tư lên tới gần 3,5 tỷ USD và công suất thiết kế 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC) mỗi năm, dự án này không chỉ giúp Hòa Phát lọt vào Top 30 doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất thế giới mà còn đặt nền móng cho việc cung ứng thép chất lượng cao cho ngành ô tô.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025, Chủ tịch Trần Đình Long cho biết, toàn bộ sản phẩm của Dung Quất 2 sẽ hướng tới phục vụ ngành công nghiệp nặng như đóng tàu, sản xuất ô tô, chế tạo cơ khí… Qua đó, giúp kết quả kinh doanh ít phụ thuộc hơn vào tính chu kỳ của thị trường bất động sản cũng như mở ra triển vọng xuất khẩu các sản phẩm thép chất lượng cao.
“Các sản phẩm Dung Quất 2 làm ra có thể đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, cho nhiều sản phẩm đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao trong ngành ô tô, quân đội, chế tạo,…”, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát nhấn mạnh.
![]() |
Chủ tịch Trần Đình Long chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 |
Theo báo cáo thường niên 2024, Hòa Phát hiện đã sản xuất và cung cấp hàng trăm ngàn tấn thép phức tạp và có yêu cầu kỹ thuật cao như:
- Thép cuộn làm tanh và bố lốp ô tô: Một trong những sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật cao nhất, chỉ một số ít công ty hàng đầu thế giới có thể sản xuất.
- Thép đinh ốc vít, lõi que hàn, thép hợp kim cao dập nguội, thép dự ứng lực cường độ cao: Đây đều là những sản phẩm cần độ chính xác và độ bền vượt trội.
Từ năm 2022, Hòa Phát đã thành công trong việc sản xuất mác thép SWRH82A, SWRH72A – dùng cho sản xuất tanh lốp xe ô tô – là một minh chứng rõ rệt về năng lực kỹ thuật của Hòa Phát. Sản phẩm này có đường kính rất nhỏ, đòi hỏi quy trình sản xuất khép kín, kiểm soát tạp chất chặt chẽ và khả năng khử sâu, vốn là thách thức lớn trong luyện kim.
Mới đây, ngày 10/4/2025, Hòa Phát đã ký hợp đồng hợp tác với Primetals Technologies – tập đoàn thuộc sở hữu của Mitsubishi Heavy Industries, một trong những đơn vị dẫn đầu thế giới về công nghệ luyện kim. Theo thỏa thuận, Primetals sẽ cung cấp dây chuyền đúc và cán thép chất lượng cao với công suất 500.000 tấn/năm.
![]() |
Lễ ký kết hợp đồng giữa Tập đoàn Hòa Phát và Tập đoàn Primetals |
Điểm nổi bật là dây chuyền này được thiết kế để sản xuất các loại thép phục vụ ngành ô tô như tire cord, bead wire, steel cord, thép dập nguội, cùng các loại thép hình và thép ray khổ lớn. Đây là những sản phẩm chuyên biệt, trước đây chủ yếu phải nhập khẩu.
Ngoài ra, dây chuyền cán thép dây cuộn của Primetals cũng tích hợp khả năng sản xuất thép thanh tròn trơn và thanh cuộn phục vụ cho các ngành chế tạo, quốc phòng – củng cố tham vọng trở thành nhà cung ứng toàn diện cho ngành công nghiệp nặng và chế tạo, đặc biệt là ô tô.
Tiến sâu vào xe điện: Nghiên cứu và đầu tư vào tôn silic
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Hòa Phát - ông Trần Đình Long đã tiết lộ kế hoạch sản xuất tôn silic, một nguyên liệu chiến lược trong ngành công nghiệp điện, đặc biệt là động cơ ô tô điện.
Tôn silic là loại vật liệu đặc biệt chứa hàm lượng silic từ 1-4%, được sử dụng trong sản xuất động cơ điện, máy biến áp và các thiết bị điện khác. Đặc tính nổi bật của tôn silic là khả năng giảm tổn thất từ trường, tăng hiệu suất và giảm tiêu hao năng lượng, khiến nó trở thành "trái tim" của các động cơ hiện đại.
Đối với ngành ô tô điện, tôn silic giữ vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa hiệu suất và tuổi thọ của động cơ. Tuy nhiên, hiện tại, Việt Nam chỉ có một doanh nghiệp sản xuất tôn silic nhưng chỉ dừng ở việc nhập khẩu nguyên liệu và gia công khâu cuối cùng. Hòa Phát quyết định bước vào lĩnh vực này với tham vọng tự sản xuất từ gốc, đảm bảo kiểm soát toàn bộ chuỗi giá trị. Việc này không chỉ giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
![]() |
Đội ngũ cán bộ nhân viên Thép Hòa Phát Dung Quất được bồi dưỡng chuyên sâu về các loại sản phẩm thép chất lượng cao (Nguồn: Báo Quảng Ngãi) |
Để thực hiện giấc mơ mới này, trong tháng 11/2024, Thép Hòa Phát Dung Quất đã phối hợp với Trường Vật liệu - Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức khóa đào tạo bồi dưỡng chuyên sâu về các loại sản phẩm thép chất lượng cao.
Đối với thép kỹ thuật điện (tôn silic), khóa học trang bị các kiến thức cơ bản và nâng cao, các đặc tính cơ học và hóa học giúp thép kỹ thuật điện trở thành vật liệu lý tưởng trong sản xuất máy biến áp và các thiết bị điện tử; công nghệ nấu luyện, tinh luyện và đúc phôi thép. Học viên cũng được học công nghệ cán tôn silic và phương pháp xử lý nhiệt để tối ưu hóa các tính chất vật lý và hóa học, đảm bảo sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật.
Mối liên kết với các doanh nghiệp ô tô trong nước
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025, khi trả lời câu hỏi của cổ đông về khả năng hợp tác với VinFast trong việc cung cấp thép cho xe điện, Chủ tịch Trần Đình Long cho biết, Hòa Phát đã và đang chủ động tiếp cận nhiều doanh nghiệp trong ngành ô tô và vận tải, không chỉ riêng VinFast.
"Chúng tôi làm rồi, không chỉ VinFast mà còn liên hệ với Thành Công, Thaco và cả ngành đường sắt Việt Nam", tỷ phú Trần Đình Long cho biết.
![]() |
Tỷ phú Trần Đình Long chia sẻ về việc hợp tác với VinFast (Ảnh minh họa) |
Theo Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, việc tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp tư nhân là một trong những nhiệm vụ được Chính phủ giao. Trong nhiều năm tới, Tập đoàn Hòa Phát xác định sẽ tập trung sản xuất thép chất lượng cao, phục vụ cho các ngành công nghiệp đầu cuối, trong đó có ô tô và đường sắt.
Tỷ phú Trần Đình Long khẳng định loại thép dùng cho khung xe và thân vỏ ô tô không phải loại quá khó sản xuất. Nhưng ông cũng thẳng thắn chỉ ra một trở ngại lớn là lượng đặt hàng từ các doanh nghiệp trong nước hiện rất ít.
Theo đề xuất “Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” của Bộ Công Thương, nhu cầu thép hợp kim và thép chế tạo trong nước sẽ tiếp tục tăng mạnh, đặc biệt trong ngành ô tô và cơ khí công nghiệp. Dự báo tổng nhu cầu thị trường có thể đạt đến 310 tỷ USD đến năm 2030, trong đó ngành ô tô là một trong hai phân khúc có tỷ trọng cao nhất.
Tuy nhiên, Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc lớn vào thép nhập khẩu trong phân khúc cao cấp. Điều này đồng nghĩa với việc nếu Hòa Phát có thể làm chủ công nghệ và sản lượng trong mảng này, tập đoàn không chỉ chiếm lĩnh thị trường nội địa mà còn đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu – nơi các yêu cầu kỹ thuật khắt khe hơn nhiều.
>> Hòa Phát (HPG) và Petrovietnam trao đổi về cơ hội hợp tác toàn diện
Vụ áp thuế chống bán phá giá thép HRC Trung Quốc do Hòa Phát và Formosa khởi xướng vào chặng cuối
Trước nỗi lo áp thuế 46%, Hòa Phát (HPG) tiếp tục báo tin vui thị phần, vẫn có doanh thu từ Mỹ