Họa sĩ người Pháp gốc Việt tìm mẹ, ước gặp lại dù chỉ là bia mộ
Cầm chặt tấm ảnh cũ, họa sĩ Rémy Gastambide tin đó sẽ là phép màu giúp anh tìm mẹ. Anh chưa bao giờ ngừng hy vọng, mong có một ngày gặp lại mẹ dù chỉ là bia mộ.
Lần đầu về Việt Nam tìm mẹ
Anh Rémy Gastambide (55 tuổi, quốc tịch Pháp và Thụy Sĩ) là một họa sĩ gốc Việt, sống tại Nice, Pháp. Dù lớn lên trong sự yêu thương của cha mẹ nuôi nhưng anh vẫn tha thiết, nguyện dành cả đời tìm tung tích của cha mẹ đẻ.
Tạm gác bận rộn đầu năm mới, anh Rémy cung cấp thông tin, hình ảnh, tư liệu về cha mẹ mà anh thu thập được gần 35 năm qua.
Theo hồ sơ nhận con nuôi, anh Rémy có tên thật là Nguyễn Bác Ái, sinh ngày 1/1/1969 tại cô nhi viện Thông Thiên Học (số 468 đại lộ Võ Di Nguy, nay là đường Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận, TP.HCM).
Cha mẹ nuôi của Rémy là người Pháp gốc Thụy Sĩ. Vì vậy, anh được nuôi dạy và lớn lên ở Reims (Pháp) và Geneva (Thụy Sĩ).
Khi biết mình còn cha mẹ ruột, anh Rémy thiết tha tìm kiếm và hy vọng được gặp lại họ. Tuy nhiên, điều này khiến cha mẹ nuôi của anh lo lắng. Họ sợ con trai rời bỏ mình về với người thân ruột thịt.
Trước khi về Việt Nam tìm mẹ, anh Rémy giải thích với cha mẹ nuôi: “Con hiểu tình cảm cha mẹ dành cho con. Con hết lòng tôn kính cha mẹ, nhưng vẫn muốn tìm lại cội nguồn của mình”.
Tháng 7/1991, chàng trai Rémy 22 tuổi, lần đầu đến TP.HCM tìm mẹ. Anh bồi hồi xen lẫn lo lắng, cầm chặt hồ sơ nhận con nuôi. Đó là manh mối duy nhất ở thời điểm đó để anh bắt đầu hành trình tìm mẹ.
Lần theo địa chỉ cũ của cô nhi viện Thông Thiên Học, ông tìm đến thì thấy nơi đây đã thành nhà dân. Người dân địa phương cho biết, trại trẻ mồ côi Thông Thiên Học đã đóng cửa sau năm 1975.
Không bỏ cuộc, anh tìm đến nhà của cựu giám đốc và nhân viên chăm sóc trẻ từng làm việc ở cô nhi viện. Tuy nhiên, hai người đã lớn tuổi, không còn nhớ đến đứa trẻ Nguyễn Bác Ái bị bỏ rơi.
“Cuộc tìm kiếm rơi vào bế tắc. Tôi đăng thông tin tìm kiếm cha mẹ trên báo năm 1991, nhưng không có kết quả khả quan. Người dân và chính quyền địa phương không có thêm thông tin nào khác để cung cấp cho tôi”, anh Rémy chia sẻ.
Từ năm 1991 – 2006, anh Rémy có 7 lần về Việt Nam tìm mẹ nhưng không có tiến triển mới.
Vỡ òa khi tìm thấy cha
Song song việc về Việt Nam tìm mẹ, anh Rémy còn nhiều lần sang Mỹ để tìm cha. Vì anh không có bất kỳ thông tin nào về cha nên các hội cựu chiến binh ở Mỹ không thể giúp đỡ.
Anh Rémy kể, năm 2016, anh biết đến phương pháp xét nghiệm ADN tìm người thân. Ở Mỹ, cách làm này rất phổ biến và không tốn kém.
Vì vậy, anh quyết định xét nghiệm ADN ở 4 trung tâm khác nhau. Đây là những kho dữ liệu ADN lớn trên thế giới, giúp giải mã nguồn gốc của một người và tìm thấy người chung huyết thống.
Kết quả ADN của anh Rémy khớp với một số công dân Mỹ về mặt di truyền. Từ đây, anh phát hiện mình có nhiều chú bác và anh chị em.
Họa sĩ Rémy tâm sự: “Tôi từng nghĩ mình là đứa trẻ mồ côi, không còn người thân trên cõi đời. Hiện tại, tôi có một đại gia đình đang sống ở Mỹ. Tôi là một mảnh ghép thất lạc, vừa được tìm thấy của bức tranh tình thân ấm áp”.
Từ những mối quan hệ họ hàng, anh Rémy thu hẹp khoảng cách, đến gần hơn với cha mình. Để rồi, anh vỡ òa hạnh phúc khi biết cha anh đang sống ở Natchez, Mississippi, Mỹ.
Đó là ông Stewart Foster Jr. (80 tuổi), từng ở Việt Nam giai đoạn 1967 - 1968. Năm 1968, ông ở Pleiku, Gia Lai. Mỗi tháng, ông đều bay từ Pleiku về Tân Sơn Nhất.
Tháng 4/1968, ông Stewart được nghỉ phép vài ngày và hẹn hò với một cô gái Việt Nam sống gần sân bay Tân Sơn Nhất. Một tháng sau, ông quay lại tìm bạn gái nhưng không gặp. Cuối cùng, ông trở về Mỹ và không còn cơ hội gặp lại cô gái nữa.
Cô gái Việt tặng ông một tấm ảnh làm kỷ niệm. Đó là kỷ vật duy nhất mà ông Stewart còn cất giữ.
“Cha đẻ của tôi không biết ông đã có con với một phụ nữ Việt Nam. Thế nên, về Mỹ, ông kết hôn và có 4 người con.
Lúc đầu, cha rất dè chừng trước sự tiếp cận của tôi. Tôi hiểu sự hoài nghi đó của cha. Bởi, việc tôi tìm được ông giống như phép lạ, chẳng khác gì mò kim đáy biển.
Cuộc hội ngộ này là sự quyết tâm, kiên trì cao độ của tôi”, anh Rémy hạnh phúc kể.
Tấm ảnh thắp lên hy vọng
Ở tuổi 80, ông Stewart không nhớ chính xác tên, tuổi hoặc quê quán của mẹ ruột anh Rémy. Dù con trai cố hỏi thật nhiều nhưng ông thực sự không còn nhớ ký ức ngày đó nữa.
Niềm hy vọng mới của anh Rémy chỉ có tấm ảnh của mẹ. Manh mối này thực sự đắt giá đối với một người con đang tìm kiếm mẹ.
Gần 35 năm qua, anh Rémy chưa bao giờ ngừng tìm kiếm dấu vết của mẹ. Anh muốn tìm được bà, dù bà còn sống hay đã chết, chấp nhận hoặc không thừa nhận anh.
“Tôi đã tìm được cha, biết được phả hệ, nguồn gốc, tổ tiên của mình. Tôi muốn làm điều tương tự với mẹ. Tôi mong phép màu sẽ đến lần thứ hai, giúp tôi tìm thấy mẹ. Tôi không hề oán giận về hành động bỏ rơi con của bà.
Tôi không có quyền phán xét hành động đó của mẹ. Tôi hiểu mẹ đã gặp khó khăn như thế nào khi có con với một quân nhân Mỹ.
Trước đó, tôi từng nói với cha: 'Tôi không phải là chiến tranh. Tôi là hậu quả của nó'.
Tôi sẽ không trách cứ quá khứ, không vặn hỏi nguyên nhân. Tôi tự hào về bản thân của hiện tại”, anh Rémy chia sẻ.
Câu hỏi quan trọng nhất mà anh Rémy muốn biết là cuộc sống của mẹ hiện nay ra sao, bà còn sống hay đã chết…
Anh Rémy xúc động: “Tôi biết trong văn hóa người Việt, chữ “Hiếu” có giá trị cao nhất trong cách ứng xử của mỗi người. Tôi không biết những việc mình đang làm có phải là “Hiếu” không. Nhưng, với tôi, đó là mục tiêu của cuộc đời.
Liệu tôi có làm được hay không? Câu hỏi ấy cứ đeo đẳng tôi suốt gần 35 năm qua.
Nếu tôi tìm thấy mẹ hoặc dù chỉ là danh tính hay bia mộ của bà, thậm chí bà không nhìn nhận tôi thì tôi vẫn cảm thấy mãn nguyện”.
Trên hành trình tìm mẹ, anh Rémy không ngừng nghĩ đến cha mẹ nuôi. Dù có tìm được cội nguồn thì họ luôn trong tim anh.
Anh cũng gửi lời cảm ơn đến những người bạn Việt Nam. Mọi người đã động viên, giúp đỡ anh rất nhiều.
“Tôi cảm thấy gần gũi và thoải mái trong những ngày ở Việt Nam. Lâu lắm rồi tôi chưa về lại quê mẹ, nhớ quá!
Nếu có thêm manh mối thì tôi không ngần ngại quay trở lại Việt Nam lần nữa.
Tôi tha thiết mong ai đó đọc được những thông tin này và biết về mẹ thì liên lạc ngay cho tôi.
Tôi sẽ không do dự, ngay lập tức về Việt Nam”, anh Rémy - một người Pháp mang một nửa dòng máu Việt thiết tha tìm lại cội nguồn.
Độc giả có thông tin về mẹ của Rémy vui lòng gửi về địa chỉ mail của Rémy: contact@tygiamoi.com  hoặc phiên dịch của Rémy: contact@tygiamoi.com  |
Ảnh: Nhân vật cung cấp
>> Lương 2 tỷ/năm, nữ họa sĩ vẫn bỏ việc ở Australia về Việt Nam để cầm cọ 
Tranh hiếm của họa sĩ Trần Văn Cẩn được gõ búa hơn 10 tỷ đồng 
Chuyện về những bức tranh dang dở của hoạ sĩ chưa bao giờ vẽ ban đêm