Hoàn trả chi phí đã đầu tư vào dự án gần 2.000 tỷ đồng trên khu đất vàng tại TP. HCM cho liên danh Phát Đạt (PDR)

02-06-2024 11:18|Hải Băng

Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM mong muốn liên danh Phát Đạt (PDR) đồng ý với quyết định dừng dự án BT nhà thi đấu Phan Đình Phùng và có đề xuất hoàn trả phần chi phí mà công ty đã đầu tư.

Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM đã có văn bản gửi liên danh CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (HoSE: PDR) và Tổng CTCP Đền bù giải tỏa phản hồi về những vấn đề được nhà đầu tư đưa ra khi TP. HCM quyết định chấm dứt dự án BT nhà thi đấu Phan Đình Phùng.

Theo nội dung văn bản, việc chỉ định nhà đầu tư năm 2018 căn cứ vào nội dung cho phép chỉ định của Thủ tướng Chính phủ năm 2010 là không còn phù hợp bởi quy định pháp luật về đầu thầu khi thực hiện lựa chọn nhà đầu tư vào năm 2017 đã có nhiều thay đổi so với trước đó.

Vì vậy, việc tiếp tục thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng BT tiềm ẩn nhiều rủi ro về hiệu quả kinh tế, tài chính và pháp lý. Trường hợp TP. HCM có văn bản giải trình và xin ý kiến các ban ngành dự kiến sẽ kéo dài, kết quả chưa chắc đã thuận lợi do trước đây Chính phủ đã giao UBND TP.HCM quyết định và chịu trách nhiệm toàn diện về việc thay đổi nhà đầu tư dự án.

Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có văn bản chưa đồng thuận việc TP. HCM tiếp tục thực hiện Dự án theo hình thức chỉ định nhà đầu tư. Thỏa thuận đầu tư ký vào ngày 18/6/2018 cũng chỉ thể hiện các điều khoản thỏa thuận về công việc các bên thực hiện để ký hợp đồng BT.

Dựa trên một số lý do trên, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM mong muốn liên danh Phát Đạt đồng ý với quyết định dừng dự án. “Đối với các chi phí Liên danh đã bỏ ra, UBND Thành phố đã có chủ trương sẽ hoàn trả cho Liên danh theo đúng các quy định pháp luật, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên có liên quan” - văn bản nêu rõ.

Hoàn trả chi phí đã đầu tư vào dự án gần 2.000 tỷ đồng trên khu đất vàng tại TP. HCM cho liên danh Phát Đạt (PDR)
Dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng nằm ở vị trí đắc địa với 4 mặt tiền, liên danh nhà đầu tư cho rằng việc dừng dự án là trái quy định

Trước đó, vào nửa cuối tháng 5, liên danh Phát Đạt có văn bản gửi Bí thư Thành ủy TP. HCM và Chủ tịch UBND TP. HCM cho rằng việc dừng dự án BT nhà thi đấu Phan Đình Phùng là chưa chính đáng và không thuyết phục. Việc dừng dự án vừa không phù hợp quy định Luật PPP, vừa vi phạm thỏa thuận đầu tư đã ký kết giữa nhà đầu tư và UBND TP. HCM, gây ra sự lãng phí rất lớn về thời gian, công sức, tiền của và nhà đầu tư sẽ khó đồng thuận.

Số tiền Phát Đạt đã đầu tư vào dự án

Dự án BT nhà thi đấu Phan Đình Phùng tọa lạc trên khu đất vàng của quận 3 với quận 4, mặt tiền đường Võ Văn Tần - Pasteur - Nguyễn Đình Chiểu - Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Dự án có chủ trương đầu tư theo hình thức BT từ năm 2008. Đến năm 2018, Tổng CTCP Đền bù giải tỏa và Phát Đạt được chỉ định là nhà đầu tư với tổng vốn đầu tư là 1.953 tỷ đồng.

Tại thời điểm ngày 31/3/2024, báo cáo tài chính của Phát Đạt ghi nhận chi phí xây dựng dở dang vào dự án này là 77,1 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Phát Đạt đã đầu tư 17,3 tỷ đồng vào công ty liên kết là Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Công trình PĐP. Theo giới thiệu, công ty này được thành lập vào ngày 3/7/2018, vốn điều lệ 147 tỷ đồng, địa chỉ trùng với trụ sở cũ của Phát Đạt. Dự án chính của công ty hiện tại là xây dựng dự án BT nhà thi đấu Phan Đình Phùng.

Chia sẻ trong ĐHĐCĐ thường niên 2024 vừa qua, Chủ tịch Nguyễn Văn Đạt cũng bày tỏ mong muốn được tiếp tục thực hiện dự án trên.

>> Phát Đạt (PDR) đề nghị được tiếp tục làm dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng

Nhận định chứng khoán 3-7/6: Các CTCK đồng thuận về xu hướng thị trường

'Tiền trạm' tăng trưởng KQKD quý II/2024: Nhóm chứng khoán khó đột phá, BĐS, bán lẻ, dầu khí khó nới biên lợi nhuận

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/hoan-tra-chi-phi-da-dau-tu-vao-du-an-gan-2000-ty-dong-tren-khu-dat-vang-tai-tp-hcm-cho-lien-danh-phat-dat-pdr-237112.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Hoàn trả chi phí đã đầu tư vào dự án gần 2.000 tỷ đồng trên khu đất vàng tại TP. HCM cho liên danh Phát Đạt (PDR)
    POWERED BY ONECMS & INTECH