Không phải thẻ tín dụng 8,8 tỷ đồng, mà chính khoản vay đã quá hạn nhiều năm của Hoàng Anh Gia Lai được bảo đảm bởi 9 bìa đỏ, xe cộ, máy móc, đàn bò,... mới là câu chuyện thu nợ nhiều màu sắc nhất của Eximbank trong 1 năm trở lại đây.
Công ty con của HAGL vay Eximbank thế chấp 9 bìa đỏ, máy móc, xe cộ và đàn bò
Ngày 13/12/2023, Hoàng Anh Gia Lai của Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) công bố thông tin về việc công ty con của tập đoàn - CTCP Chăn nuôi Gia Lai đã thanh toán 750 tỷ đồng (bao gồm toàn bộ nợ gốc gần 587 tỷ đồng và một phần lãi trong hạn hơn 163 tỷ đồng) cho Eximbank để tất toán các khoản vay từ năm 2014.
Quay ngược lại năm 2014, Ngân hàng Eximbank – Chi nhánh Hùng Vương đã cho CTCP Chăn nuôi Gia Lai vay 2 khoản vào ngày 15/8/2014 và ngày 23/9/2014, cùng đến hạn vào ngày 31/12/2024 (ngày cuối cùng tất toán khoản vay, trong thời hạn đó gốc được trả dần theo lịch trả nợ).
Tài sản thế chấp của khoản vay là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất trên tổng diện tích 1.091,1 ha (gồm 9 bìa đỏ) thuộc sở hữu của Chăn nuôi Gia Lai và các phương tiện vận tải, máy móc thiết bị, đàn bò giống và tài sản khác hình thành từ vốn vay.
Hình ảnh cắt từ BCTC Hoàng Anh Gia Lai 2020 |
>> HAGL Agrico (HNG) tiết lộ thời điểm bắt đầu hái ‘trái ngọt’ từ mảng chăn nuôi bò 
Còn nhớ, tháng 6/2014, HAGL chính thức nhảy vào lĩnh vực chăn nuôi, xây dựng chiến lược nuôi bò (bò thịt và bò sữa) ở cả 3 nước, là Việt Nam, Lào và Campuchia.
Khi này, HAGL tính toán sẽ kết nối các chuỗi giá trị của ngành trồng trọt và ngành chăn nuôi với nhau để tạo lợi thế cạnh tranh tối đa. Các sản phẩm phụ của ngành trồng trọt như cây bắp, bã mía, mật rỉ đường, bẹ lá cọ dầu, bã cọ dầu là nguồn thức ăn giàu chất dinh dưỡng cho bò. Nhờ vậy, chi phí chăn nuôi bò sẽ rất thấp.
Bên cạnh đó, nguồn phân bò được dự kiến tạo ra khí đốt để chạy nhà máy điện. Nguồn điện này sẽ được sử dụng để vận hành hệ thống tưới cho cây trồng và thắp sáng chuồng trại chăn nuôi, vận hành thiết bị phục vụ chăn nuôi. Phân bò còn được sử dụng để bón cho cây, giúp cây phát triển tốt.
Trong định hướng chiến lược, HAGL dự kiến đầu tư các dự án chăn nuôi bò với tổng vốn khoảng 6.300 tỷ đồng với tổng số lượng đàn bò thịt và bò sữa là 236.000 con. Tất nhiên, một phần lớn vốn trong số này được tài trợ từ các nhà băng.
Đến cuối năm 2014, tổng đàn bò của HAGL đạt hơn 43.500 con. Năm 2015, HAGL nhập về trên 120.000 con bò, trong đó có 110.000 bò thịt, còn lại là bò sữa. Đến năm 2016, HAGL nâng tổng số đàn bò lên khoảng 250.000 con.
Cũng trong năm 2016, HAGL xuất bán 122.740 con bò, mang lại 3.465 tỷ đồng doanh thu, chiếm tới hơn một nửa doanh thu của cả tập đoàn. Tuy nhiên biên lợi nhuận gộp của mảng bò trong năm này giảm mạnh, không gồng gánh được cho những mảng kinh doanh khác, dẫn tới HAGL lỗ trước thuế hơn 1.400 tỷ đồng.
Sang năm 2017, mảng chăn nuôi bò không còn là mũi nhọn của HAGL. Bò chỉ còn đóng góp 759 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 15,7% trong tổng doanh thu và 2,1% trong lợi nhuận gộp của Tập đoàn.
Trong báo cáo năm này, HAGL cũng cho biết, Tập đoàn không ưu tiên nguồn vốn lưu động tài trợ cho mảng chăn nuôi bò mà tập trung dành cho mảng cây ăn trái, chỉ duy trì đàn bò ở mức đủ cung cấp phân hữu cơ cho trồng trọt. Số lượng bò trong đàn chỉ còn duy trì khoảng 13.000 con, tức là đã giảm gần 95% so với lúc cao điểm.
Doanh nhân Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức). Ảnh: Người Lao Động |
Bò "bay màu" nhưng nợ vay ở lại
Đến 31/12/2020, trên BCTC của HAGL, kiểm toán xác định HAG đã thanh lý toàn bộ số bò, do đó không đảm bảo số lượng bò theo quy định của hợp đồng thế chấp với Eximbank.
Bắt đầu từ năm 2021, khoản vay dài hạn đến hạn chưa thanh toán của HAG tại Eximbank bị chuyển nợ quá hạn. Theo đó, tại ngày 31/12/21, báo cáo kiểm toán cho biết, HAG chưa thanh toán số tiền đến hạn là 179 tỷ đồng theo lịch trả nợ đã ký với ngân hàng.
Cho tới đầu năm 2023, số nợ quá hạn tại Eximbank của HAG theo BCTC kiểm toán là 279 tỷ đồng. Khi chỉ còn chưa đầy 20 ngày là kết thúc năm 2023, Eximbank cuối cùng đã có thể “thở phào” khi HAGL tất toán toàn bộ khoản vay quá hạn này, giúp ngân hàng “nhẹ gánh” nợ xấu.
Tuy nhiên, cái giá của việc thu được 750 tỷ đồng nợ gốc lãi trong hạn là Eximbank AMC đã phải miễn giảm nợ lãi, phạt cho doanh nghiệp của bầu Đức tổng số tiền lên tới gần 1.425 tỷ đồng.
Tới nay, số tiền hơn 1.400 tỷ đồng là con số lớn nhất mà một nhà băng miễn giảm cho khách hàng được công bố rộng rãi, bao gồm lãi quá hạn, tiền phạt chậm trả và một phần lãi trong hạn.
Quý I/2024, Eximbank đã không còn xuất hiện trên báo cáo tài chính của Hoàng Anh Gia Lai, chấm dứt gần một thập kỷ "dây dưa" dư nợ.
Bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động, Hoàng Anh Gia Lai (HAG) lên tiếng 
Hoàng Anh Gia Lai (HAG) 'trình làng' bộ nhận diện thương hiệu mới