Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông mở chuyên ngành thiết kế vi mạch

03-10-2023 05:15|Vân Anh

Thiết kế vi mạch là chuyên ngành thuộc ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT). Dự kiến, ngay trong năm nay, sẽ có những sinh viên đầu tiên đăng ký theo học chuyên ngành mới này.

Trên cơ sở nhận thức rõ nhu cầu nhân lực cho lĩnh vực thiết kế vi mạch, lãnh đạo Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông – PTIT đã giao Khoa Kỹ thuật Điện tử 1 xây dựng chương trình đào tạo chuyên ngành Thiết kế vi mạch thuộc ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử.

Các sinh viên khóa D20 của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông sẽ là lứa sinh viên được chọn đăng ký theo học chuyên ngành đào tạo thiết kế vi mạch.

Theo đại diện Khoa Kỹ thuật Điện tử 1, chương trình đào tạo chuyên ngành thiết kế vi mạch của trường sẽ cung cấp cho các sinh viên những kỹ năng và kiến thức cần thiết để thiết kế, phát triển và thử nghiệm các mạch tích hợp (IC).

Cụ thể, các sinh viên theo học chuyên ngành thiết kế vi mạch sẽ được học các kiến thức căn bản về cấu kiện và mạch điện tử, các kiến thức về lập trình, vi xử lý. Sau khi học xong các kiến thức cơ sở ngành, sinh viên sẽ được học sâu về sử dụng các ngôn ngữ thiết kế vi mạch VHDL, Verilog, SystemVerilog và các kiến thức về thiết kế vi mạch số, vi mạch tương tự, vi mạch trộn tín hiệu. Sinh viên học chuyên ngành này cũng sẽ có cơ hội để có được kinh nghiệm thực hành trong các công ty công nghệ đối tác của Học viện, được thực tập tại các công ty chuyên về thiết kế vi mạch quốc tế.

Nói về thế mạnh của chương trình đào tạo chuyên ngành thiết kế vi mạch của trường, Học viện cũng cho biết thêm, được phát triển dựa trên sự hợp tác với các chuyên gia trong và ngoài nước, chương trình cập nhật các kiến thức, công nghệ mới nhất trong chuyên ngành thiết kế vi mạch. Chương trình được liên kết với các công ty công nghệ như Viettel, FPT, VNPT Tech, CoAsia, Synopsys, do đó các sinh viên sẽ được thực tập trong các công ty công nghệ cao với môi trường thực tập hiện đại.

Thiết kế vi mạch đang được đánh giá là một ngành “hot”, có nhu cầu nhân lực cao, do đó các sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành đào tạo này sẽ có cơ hội làm việc rộng mở. (Ảnh minh họa: Thảo Anh)

Hoàn thành chương trình đào tạo, các sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành thiết kế vi mạch của PTIT ngoài các kỹ năng chung của ngành điện tử, còn được trang bị thêm các các kỹ năng khác như: Sử dụng thành thạo các thuật toán, công cụ để mô phỏng, phân tích và thiết kế các lõi IP core, các vi mạch tương tự và vi mạch số; có tư duy phát triển  các thiết bị điện tử máy tính, các hệ thống trên chip (SoC) dựa trên các công nghệ học máy, trí tuệ nhân tạo; hiểu được quy trình sản xuất chế tạo các vi mạch điện tử...

Thiết kế vi mạch đang được đánh giá là một ngành “hot”, có nhu cầu nhân lực cao, do đó, các sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành đào tạo này sẽ có cơ hội làm việc rộng mở tại các công ty, tập đoàn trong nước như Viettel, FPT, VNPT hay trong các công ty, tập đoàn nước ngoài như Renesas (Nhật); Intel, CoAsia, Marvell, Applied Micro, Arrive Technology, Uniquify, Grey Stones (Mỹ); HCL (Ấn Độ) cùng nhiều doanh nghiệp khác.

Trước đó, vào đầu tháng 9/2023, Đại học FPT đã thông tin việc trường kết hợp với Công ty cổ phần Bán dẫn FPT - FPT Semiconductor thành lập Khoa Vi mạch bán dẫn để góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành này và thực hiện các nghiên cứu về vi mạch và bán dẫn, tham gia nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn.

Dự kiến, Khoa Vi mạch bán dẫn của Đại học FPT sẽ chính thức đào tạo lứa học viên, sinh viên đầu tiên vào năm 2024, với định hướng đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch và thực hiện các nghiên cứu cho ngành vi mạch bán dẫn của Việt Nam.

Chương trình, giáo trình và chuẩn đào tạo được Trường ĐH FPT dự kiến kết hợp với các trường đại học hàng đầu về lĩnh vực này tại Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc) – 2 trong tổng số 4 quốc gia và vùng lãnh thổ hàng đầu về chip và bán dẫn toàn cầu, kết hợp với các cơ sở đào tạo cấp chứng chỉ, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp này để đào tạo, cung cấp nhiều loại bằng cấp, chứng chỉ - từ các chứng chỉ ngắn hạn 6 tháng đến 2 năm, tới các chương trình đào tạo nâng cao, đào tạo văn bằng hai, đào tạo cao đẳng, đại học, sau đại học về vi mạch và bán dẫn.

Ông Nguyễn Vinh Quang, Giám đốc FPT Semiconductor, đồng thời cũng là người giữ vị trí Quyền trưởng khoa Vi mạch bán dẫn cho biết, bán dẫn đang là ngành khát nhân lực trên toàn cầu. Theo dự đoán của các chuyên gia về nhân lực toàn cầu, tới năm 2030 ngành bán dẫn sẽ thiếu 1 triệu nhân sự. Hiện nay, khi lực lượng nhân sự được đào tạo từ 4 cường quốc về bán dẫn gồm Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc không đáp ứng đủ thì thị trường Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, có cơ hội nắm bắt nhu cầu toàn cầu này để vươn lên trong bảng xếp hạng cả về giáo dục ngành lẫn cung ứng nhân sự chất lượng cao của ngành.

“Ngành bán dẫn bùng nổ và sự khan hiếm nguồn nhân lực là một cơ hội lớn để nhân sự trẻ Việt Nam tự tin bước ra thế giới với năng lực cạnh tranh toàn cầu. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam dần học hỏi, làm chủ công nghệ và thiết kế ra những dòng chip riêng của quốc gia. Đại học FPT sẽ xây dựng mô hình để học viên, sinh viên vi mạch bán dẫn của trường ra nước ngoài làm việc trong ngành công nghiệp bán dẫn, từ đó học hỏi, tích luỹ và sớm có năng lực đóng góp cho sự phát triển toàn diện của ngành”, đại diện trường Đại học FPT chia sẻ thêm.

Việt Nam muốn thành số 1 Đông Nam Á về số lượng startup thiết kế vi mạch bán dẫn

Thu nhập từ ngành vi mạch bán dẫn có thể lên tới 2 tỷ đồng/người/năm

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/hoc-vien-cong-nghe-buu-chinh-vien-thong-mo-chuyen-nganh-thiet-ke-vi-mach-2196937.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông mở chuyên ngành thiết kế vi mạch
    POWERED BY ONECMS & INTECH