Xã hội

'Hồi sinh' ngôi điện gỗ lớn và đẹp nhất Tử Cấm Thành Huế sau 77 năm bị phá hủy hoàn toàn

Thái Hà 25/11/2024 08:39

Với tổng kinh phí gần 200 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh, dự án sẽ được triển khai thực hiện trong 4 năm.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vừa tổ chức lễ động thổ Dự án "Tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích điện Cần Chánh", một công trình kiến trúc tiêu biểu trong Quần thể Di tích Cố đô Huế.

Theo Báo Thừa Thiên Huế, ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, dự án được động thổ cùng thời điểm với nhiều sự kiện quan trọng nhân Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam. Như vậy, sau 77 năm kể từ khi bị phá hủy hoàn toàn, điện Cần Chánh mới có cơ hội được hồi sinh.

'Hồi sinh' ngôi điện gỗ lớn và đẹp nhất Tử Cấm Thành Huế sau 77 năm bị phá hủy hoàn toàn - ảnh 1
Nền móng di tích điện Cần Chánh được khai quật năm 2023. Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế

Với tổng kinh phí gần 200 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh, dự án “Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh” sẽ được triển khai thực hiện trong 4 năm.

Theo Quyết định 2301/QĐ-UBND của UBND tỉnh, công trình có quy mô khoảng 1ha, tập trung tu bổ và phục hồi toàn diện điện Cần Chánh. Các hạng mục chính bao gồm gia cường nền móng, bó vỉa, bậc cấp theo nguyên trạng; phục hồi hệ chân tảng đá Thanh, nền lát gạch hoa, tường bao bằng gạch vồ. Đặc biệt, dự án sẽ phục hồi toàn bộ hệ khung gỗ, hệ mái, ván vách, liên ba, cửa và áp dụng kỹ thuật sơn son thếp vàng tinh xảo cho các chi tiết gỗ. Hệ mái sẽ được lợp ngói ống Hoàng lưu ly, bờ nóc, bờ quyết, ô hộc, con giống khảm sành sứ, cùng các chi tiết trang trí pháp lam…

Ngoài ra, hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũng được nâng cấp, bao gồm lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng nội và ngoại thất, đèn lồng, hệ thống phòng cháy chữa cháy và camera an ninh.

Theo Dư địa chí Thừa Thiên - Huế, điện Cần Chánh được xây dựng vào năm 1804 dưới triều vua Gia Long. Công trình tọa lạc trên nền cao gần 1m, được bó vỉa bằng gạch vồ và đá Thanh, với diện tích khoảng 1.000m2. Chính điện có kết cấu 5 gian, 2 chái kép, tiền điện 7 gian, 2 chái đơn. Bộ khung gỗ lim với 80 cột và các chi tiết chạm trổ tinh xảo thể hiện kỹ thuật và mỹ thuật đỉnh cao của kiến trúc Việt Nam thế kỷ XIX. Trước khi bị phá hủy vào năm 1947, điện từng trải qua 11 lần tu sửa dưới triều Nguyễn.

'Hồi sinh' ngôi điện gỗ lớn và đẹp nhất Tử Cấm Thành Huế sau 77 năm bị phá hủy hoàn toàn - ảnh 2
Cần Chánh là ngôi điện có kết cấu gỗ lớn và đẹp nhất trong Tử Cấm Thành, Đại nội Huế. Ảnh tư liệu/Báo Tiền Phong

Điện Cần Chánh nằm trên trục thần đạo của Hoàng thành Huế, cùng với các công trình quan trọng khác như Ngọ Môn, điện Thái Hòa, Đại Cung môn, điện Càn Thành, cung Khôn Thái và điện Kiến Trung. Trước đó, một số công trình trên trục thần đạo đã được bảo tồn và phục hồi, như điện Thái Hòa và điện Kiến Trung.

Dưới triều Nguyễn, điện Cần Chánh là nơi nhà vua tổ chức lễ thường triều vào các ngày 5, 10, 20 và 25 Âm lịch hàng tháng. Đây cũng là nơi diễn ra các nghi lễ tiếp đón sứ bộ ngoại giao, yến tiệc hoàng gia và các sự kiện quan trọng của triều đình. Việc phục hồi điện Cần Chánh không chỉ góp phần gìn giữ di sản văn hóa mà còn khẳng định giá trị lịch sử và nghệ thuật độc đáo của Quần thể Di tích Cố đô Huế.

Loại ‘gỗ hoàng đế’ có giá trị cao gấp 8.000 lần so với gỗ thông thường từng được dùng để xây dựng Tử Cấm Thành, cây sống đến 1.300 năm tuổi vẫn xanh tươi

Ngôi nhà trăm tuổi có thiết kế lộng lẫy như cung điện: Nội thất sơn son thếp vàng, mất hơn 14 năm thi công, được công nhận là Di tích cấp Quốc gia

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/hoi-sinh-ngoi-dien-go-lon-va-dep-nhat-tu-cam-thanh-hue-sau-77-nam-bi-pha-huy-hoan-toan-130903.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    'Hồi sinh' ngôi điện gỗ lớn và đẹp nhất Tử Cấm Thành Huế sau 77 năm bị phá hủy hoàn toàn
    POWERED BY ONECMS & INTECH