Hơn 100 núi lửa ngầm có khả năng bị 'đánh thức' vì băng tan ở Nam Cực
Nghiên cứu của các nhà khoa học đang là chủ đề khiến nhiều người bận tâm.
Biến đổi khí hậu  đang âm thầm tác động đến một trong những vùng đất lạnh giá nhất hành tinh. Dưới lớp băng dày của Nam Cực, hàng loạt núi lửa khổng lồ như Erebus đang "ngủ say". Tuy nhiên, sự ấm lên toàn cầu có thể là yếu tố đánh thức những "người khổng lồ ngủ quên" này, gây ra những hậu quả khó lường.
Theo nghiên cứu mới nhất của Live Science, bên cạnh những ngọn núi lửa đã biết, Nam Cực còn ẩn chứa một mạng lưới gồm ít nhất 100 ngọn núi lửa khác. Phần lớn số núi lửa này nằm dọc theo bờ biển phía Tây, tạo thành một hệ thống núi lửa ngầm khổng lồ.
Sự tan chảy của tảng băng không chỉ đơn thuần làm tăng mực nước biển mà còn kích hoạt một loạt các phản ứng dây chuyền. Áp lực giảm đi khi băng tan khiến các núi lửa  ẩn giấu dưới lớp băng trở nên mạnh mẽ hơn, đe dọa gây ra những thảm họa địa chất toàn cầu.
Qua 4.000 mô phỏng trên máy tính, các nhà khoa học đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ gia tăng hoạt động núi lửa ở Nam Cực do băng tan. Theo đó, việc mất đi lớp băng dày có thể kích hoạt nhiều vụ phun trào mạnh mẽ hơn.
Nguyên nhân bắt nguồn từ sự tan chảy của băng, làm giảm trọng lượng đè nén trên các tảng băng. Điều này dẫn đến áp suất tác động lên các buồng magma bên dưới giảm, khiến magma vốn bị nén nay có cơ hội giãn nở. Sự giãn nở này làm gia tăng áp lực lên các vách buồng magma, từ đó có thể kích hoạt các vụ phun trào núi lửa.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng quá trình này diễn ra rất chậm, kéo dài hàng trăm năm. Điều này đồng nghĩa với việc chuỗi tác động theo giả thuyết có thể tiếp diễn, ngay cả khi thế giới đạt được mục tiêu hạn chế hiện tượng nóng lên toàn cầu do con người gây ra. Trong thời kỳ băng hà cuối cùng, lớp băng ở Nam Cực dày hơn nhiều và có khả năng quá trình giảm áp suất, giãn nở magma, khí tương tự đã góp phần gây ra các vụ phun trào núi lửa trong quá khứ.