Hòn đảo tuyệt đẹp như 'thiên đường Maldives' của Việt Nam là nơi cuối cùng có núi lửa hoạt động
Nơi đây từng có núi lửa hoạt động, gây ra những rung chuyển long trời lở đất. Nó cũng mang lại cho hòn đảo những "tuyệt cảnh sắc" không đâu có.
Là huyện đảo xa nhất của tỉnh Bình Thuận, Phú Quý  thu hút du khách bởi nét đẹp hoang sơ, hùng vĩ. Quần đảo này hiện 12 hòn đảo  lớn nhỏ gồm Phú Quý, Hòn Tranh, Hòn Trứng, Hòn Trứng Nhỏ, Hòn Đen, Hòn Đỏ, Hòn Giữa, Hòn Hải, Hòn Đồ Lớn, Hòn Đồ Nhỏ.
Đảo lớn nhất dân gian gọi là Hòn Thu vì có hình dáng giống con cá thu, chính là đảo Phú Quý. Đảo Phú Quý cách cảng Phan Thiết 56 hải lý (khoảng 120km), nằm gần hải phận quốc tế, là hòn đảo gần với Trường Sa  nhất (cách đảo Song Tử Tây 540km về phía Tây Bắc).
Trên đảo Phú Quý hôm nay, đến đâu du khách cũng bắt gặp màu đất đỏ bazan. Đó là những dấu tích của núi lửa  một thời.
Theo người dân trên đảo, chỉ mới 100 năm trước, nơi đây đã chứng kiến một sự kiện địa chất long trời lở đất. Đó là sự vận động núi lửa cuối cùng ở Việt Nam. Cụ thể, khoảng thời gian từ tháng 2-3/1923, người dân địa phương thấy một cột khói lửa phun lên kèm theo những tiếng nổ vang trời ngoài khơi quần đảo Phú Quý.
Theo dân gian lưu truyền, cuối năm Âm lịch đang trời yên biển lặng, đột ngột hòn đảo lắc lư làm người người say sóng, mọi vật rung chuyển và nhà cửa, cây cối ngả nghiêng. Người dân Hòn (cách gọi tắt đảo Phú Quý) khiếp đảm chạy tìm nơi ẩn nấp ngỡ như trời đang sập tới nơi.
Người ta thấy một cột khói lửa phun lên kèm theo những tiếng nổ vang trời ngoài khơi quần đảo Phú Quý. Thật là một cảnh tượng có một không hai ở vùng biển này, dư chấn lan vào tận Phan Thiết.
Trùng với lời kể của các bô lão địa phương, thủy thủ trên tàu Vacasamaru của Nhật thời đó khi đi ngang qua khu vực này cũng phát hiện một đám khói đen dựng đứng, kèm theo một cột hơi dày đặc bốc cao hơn 2.000m cùng với những tiếng nổ mạnh phát ra từng đợt.
Ngày 8/3 năm đó, quá trình phun trào núi lửa đã xảy ra nhưng yếu ớt. Ngày 15/3/1923, núi lửa tạm ngừng phun, đến 20/3/1923 nó phun trở lại lần cuối.
Sự kiện địa chất đó đã tạo nên một hòn đảo mà dân Phú Quý gọi là Hòn Tro. Tuy nhiên, chỉ 3 tháng sau, Hòn Tro biến mất. Các nhà khoa học cho rằng Hòn Tro có thể đã bị sóng gió đánh tan, do nó hình thành từ những sản phẩm núi lửa chưa được cố kết chặt chẽ. Vì thế, Hòn Tro còn được gọi là “hòn đảo phù du”. Ngày nay, Hòn Tro chỉ còn trong ký ức dân gian và trong những tài liệu khoa học.
Tính đến nay, sự kiện trên đảo Phú Quý năm 1923 là lần cuối cùng núi lửa phun trào. Hiện trên đảo vẫn còn nhiều dấu tích của 4 miệng núi lửa dưới nước cùng 2 chóp núi lửa trên đảo là núi Cấm và núi Ông Đụn.
Cũng nhờ sự kiện năm 1923, hòn đảo ngọc có được những cảnh đẹp, thuộc hàng tuyệt tác như núi Cao Cát, đảo Hòn Đen, Hòn Đỏ, bãi Đá Đen, hồ Bánh Xe, hồ Vô Cực, khe Sung Sướng… rồi những hang động kỳ bí.
Núi Cao Cát - Grand Canyon phiên bản Việt Nam
Núi Cao Cát cao khoảng 106m so với mực nước biển, nằm ở phía Bắc đảo Phú Quý. Nơi đây sở hữu những vách đá sừng sững, trải dài hơn 1km, cao tới 70m, tạo nên một khung cảnh vô cùng ấn tượng. Vì thế, núi Cao Cát được mệnh danh là "Grand Canyon" phiên bản Việt Nam.
Ngoài ra, ngọn núi này còn được người dân nơi đây gọi với cái tên quen thuộc là Rồng biển. Trong đó, đỉnh núi là đầu rồng và đuôi rồng là phần trải dài đến Mộ Thầy. Khách du lịch có thể dễ dàng nhìn thấy tổng quan toàn bộ khu vực núi Cao Cát trong tầm mắt xa.
Đảo Hòn Hải
Một trong những tuyệt tác nổi bật mà núi lửa tạo ra trên quần đảo Phú Quý, đó là Hòn Hải (hay còn gọi là Hòn Khám, dân đảo lại gọi Hòn Hài, vì giống một chiếc hài), cách đảo lớn 35 hải lý về phía Nam. Đảo có tên trên bản đồ quốc tế với tên gọi Poulo Sapate.
Hòn Hải là đường cơ sở A6 để tính lãnh hải của Việt Nam trên biển Đông. Đảo có diện tích 46.000m2, cạnh mọc thẳng đứng cao hơn 100m. Nhìn từ trên cao, đảo giống một con cá khổng lồ đang vùng vẫy giữa đại dương.
Hòn Hải được hình thành từ núi lửa phun trào hàng triệu năm trước, phần dung nham gần mặt biển gặp nước, hóa đá rắn chắc còn phần trên cao thì xốp và mềm hơn, nên thường xuyên bị bào mòn, thường có đá rơi, đá lở, nhiều vách hụt. Qua bao thiên niên kỷ, gió và sóng biển bào mòn đá, tạo nên hàng vạn đường gờ uốn lượn nhấp nhô quanh đảo, nhìn như một tác phẩm nghệ thuật.
Hồ Bánh Xe
Nhờ sở hữu vị trí đắc địa giữa biển trời mênh mông lại được bao bọc bởi các vách núi đá vôi độc đáo, hồ Bánh Xe sở một cảnh sắc thiên nhiên ấn tượng khiến bao người say mê.
Tên gọi của hồ Bánh Xe xuất phát từ việc ở đây có một chiếc bánh xe nằm dưới lòng hồ. Có khá nhiều câu chuyện được truyền tai về nguyên nhân chiếc bánh xe này lại ở dưới đáy hồ. Dù chưa được kiểm chứng chính xác nhưng nghe hợp lí nên nhiều người dân vẫn tin. Từ năm 2021, hồ Bánh Xe mới dần được du khách biết đến nhiều hơn.
Hồ Vô Cực
Hồ Vô Cực thực chất là một khe nước nhỏ, sở hữu vẻ đẹp hoang sơ, ấn tượng tựa như một "bể bơi tự nhiên" giữa lòng biển.
Hồ được bao bọc bởi những phiến đá xếp chồng lên nhau, tạo nên khung cảnh độc đáo và đầy ấn tượng. Làn nước trong hồ xanh biếc, hòa quyện với sắc nâu trầm của đá và san hô, vẽ nên một bức tranh thiên nhiên đầy cuốn hút.
Khe Sung Sướng
Nơi đây tựa như một viên ngọc quý ẩn mình giữa chốn thiên nhiên hoang sơ, khiến du khách không khỏi say mê, lưu luyến.
Đúng như tên gọi, khe Sung Sướng mang đến cho du khách cảm giác sảng khoái, thư thái khi hòa mình vào dòng nước trong xanh, mát lạnh. Nước ở đây trong veo đến mức có thể nhìn thấy tận đáy, cùng với những vách đá hùng vĩ, đồ sộ dựng đứng hai bên, tạo nên khung cảnh thiên nhiên vô cùng ấn tượng.
>> 'Hòn ngọc thô' bí ẩn mang vẻ đẹp thiên đường ở cực Tây Nam của Tổ Quốc