Hơn nửa năm ‘thăng hoa’, giá gạo Việt lao dốc
Gạo hết sốt giá sau hơn nửa năm “thăng hoa”. Giá mặt hàng này lao dốc mạnh, bất chấp nhu cầu ở một số quốc gia vẫn rất cao.
Cơn sốt giá gạo chấm dứt
Mới đây, bà Bùi Thị Thanh Tâm - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) - chia sẻ, các nhà xuất khẩu Việt Nam đã trúng gần 400.000 tấn gạo trong gói thầu 500.000 tấn của Indonesia.
Indonesia là khách hàng lớn thứ hai của gạo Việt Nam . Gần đây, giá gạo tại thị trường này tăng mạnh do nguồn cung khan hiếm. Tính tới 2/2024, quốc gia này đã trải qua 8 tháng thâm hụt gạo liên tiếp. Do đó, Chính phủ Indonesia phải tăng hạn ngạch thêm 1,6 triệu tấn, nâng tổng lượng gạo nhập khẩu năm 2024 lên 3,6 triệu tấn.
Đến nay, El Nino diễn biến phức tạp, còn Ấn Độ vẫn duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo  trắng non-basmati. Nguồn cung gạo trên toàn cầu tiếp tục bị ảnh hưởng.
Ông Nguyễn Văn Đôn - Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng - cho biết, các đối tác lớn như Philippines, Indonesia, Trung Quốc... đều thông báo tăng khối lượng nhập khẩu gạo trong năm nay.
Tuy nhiên, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam không còn “thăng hoa” như nửa năm vừa qua. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), từ tháng 2 đến nay, giá các loại gạo xuất khẩu của nước ta quay đầu giảm mạnh.
Ngày 5/3, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam giao dịch ở mức 579 USD/tấn, giảm 84 USD/tấn so với mức đỉnh 663 USD/tấn. Còn so với ngày 19/7/2023 (thời điểm trước khi gạo sốt giá trên toàn cầu), giá gạo hiện nay chỉ cao hơn 46 USD/tấn.
Đáng chú ý, thay vì có giá đắt đỏ nhất trong top quốc gia xuất khẩu lớn trong suốt một thời gian, nay gạo 5% tấm của Việt Nam thấp hơn hàng cùng loại của Thái Lan và Pakistan lần lượt là 34 USD/tấn và 20 USD/tấn.
Gạo 25% tấm xuất khẩu của nước ta cũng giảm còn 557 USD/tấn, thấp hơn 4-5 USD/tấn so với hàng cùng loại của Thái Lan và Pakistan.
Giá gạo xuất khẩu lao dốc đã kéo giá lúa tại thị trường nội địa giảm từ giữa tháng 1/2024, từ 9.000 đồng/kg còn 7.300-7.800 đồng/kg.
Mức giảm sâu của giá gạo xuất khẩu trái ngược hoàn toàn với các dự báo trước đó của chuyên gia, doanh nghiệp cũng như cơ quan chức năng. Một số ý kiến cho rằng cơn sốt giá gạo đã chấm dứt.
Nhà nhập khẩu “canh” giá thấp mới mua
Trước giá lúa gạo biến động mạnh, ông Nguyễn Văn Đôn lý giải, là do đang bước vào chính vụ thu hoạch, nguồn cung dồi dào nên giá gạo xuất khẩu giảm mạnh.
Đặc biệt, các đối tác nhập khẩu gạo Việt chủ động mua chậm lại. “Họ am hiểu tình hình sản xuất của nước ta nên canh chờ giá gạo giảm mới mua”, ông nói. Phía doanh nghiệp Việt cũng dè chừng, bởi tiềm lực có hạn và cũng đợi thị trường thế nào mới quyết định mua vào. Tất cả đều chậm và chờ.
Bà Bùi Thị Thanh Tâm thừa nhận, giá gạo giảm là do đang bước vào thu hoạch chính vụ, trên các cánh đồng và các địa phương.
Năm ngoái, khi được giá, các tỉnh đồng thời gieo hạt tại một thời điểm. Đến nay, tất cả cùng thu hoạch nên xuất hiện sự ùn ứ từ ruộng đến nhà máy, thậm chí từ các cảng nội địa.
Ngoài ra, thời điểm tháng 3 đến tháng 5, Thái Lan, Philippines và Indonesia cũng vào mùa gặt. Trong khi một số nước châu Phi, Philippines... gạo vẫn tồn nhiều, phải tiêu thụ ở trong nước trước sau đó mới tiếp tục nhập khẩu.
Vừa qua, Vinafood 1 chào hàng một số nhà nhập khẩu nhưng họ nói "sẽ nghiên cứu thêm và trao đổi sau". Giá gạo trên thị trường thế giới đang có sự điều chỉnh, bà Tâm nhận xét.
Dù giá lúa gạo có xu hướng giảm mạnh, song bà Tâm khẳng định người nông dân vẫn có lãi 60% tính theo giá thành sản xuất mà Hiệp hội Tài chính công bố, khoảng 4.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) - thông tin, đến nay cả nước đã thu hoạch khoảng 3,2 triệu tấn lúa. Năm 2024, theo kế hoạch, Việt Nam sẽ gieo trồng khoảng 7,1 triệu ha, sản lượng lúa ước đạt trên 43 triệu tấn. Ước xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo.
Tuy nhiên, ông Cường cũng cảnh báo thị trường lúa gạo có biên độ hẹp và biến động rất nhanh. Do đó, doanh nghiệp lúa gạo cần chủ động nắm thông tin, dự báo thị trường để chốt giá, chốt hợp đồng xuất khẩu với giá tốt nhất và mang lại lợi ích hài hòa cho doanh nghiệp, cho người trồng lúa.
Thực tế, trong năm 2023, dù giá gạo “thăng hoa”, liên tục phá đỉnh lịch sử nhưng dưới sức ép của giá vốn, chi phí và nhiều yếu tố khách quan, các doanh nghiệp lúa gạo ghi nhận mức lãi mỏng, sụt giảm mạnh, thậm chí là thua lỗ.
Theo nhận định, giá lúa gạo năm nay khó giảm sâu và tiếp tục duy trì ở mức tốt do nhu cầu trên thế giới vẫn ở mức cao với mặt hàng này.
Nhiều doanh nghiệp trúng thầu lớn, giá gạo Việt xuất khẩu vẫn tiếp đà giảm 
Giá gạo Việt rời xa đỉnh, hàng Thái Lan tái chiếm ngôi đầu thế giới