Hiện nay, việc thí điểm thực hiện nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với đất khác còn một số hạn chế đối với doanh nghiệp.
Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) vừa có văn bản đóng góp ý kiến liên quan tới dự thảo “Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện nhà ở thương mại  thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với đất khác”.
HoREA nhận thấy việc doanh nghiệp chỉ được thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với 1 trường hợp đất ở, hoặc nhà đầu tư đang có quyền sử dụng đất đối với 2 trường hợp đất ở hoặc đất ở và đất khác thì được sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại nên đã có các hạn chế sau đây:
Thứ nhất, việc Luật Đất đai 2024 chưa cho phép nhà đầu tư được thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với 2 trường hợp đất ở và đất khác hoặc đất khác không phải là đất ở để thực hiện dự án nhà ở thương mại nên chưa thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Cụ thể, việc thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất  là cơ chế chuyển dịch đất đai tự nguyện bên cạnh cơ chế Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng để phát triển và khai thác quỹ đất. Cơ chế này có ưu điểm rút ngắn thời gian bàn giao đất từ người sử dụng đất sang nhà đầu tư nếu đạt được sự đồng thuận; bảo đảm sự chia sẻ quyền lợi thỏa đáng giữa nhà đầu tư và người sử dụng đất và lợi ích công cộng.
>> Không cho thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai là 'làm khó' người mua nhà 
Đồng thời, cơ chế giúp giảm đi đáng kể tình trạng khiếu kiện của người bị ảnh hưởng do chuyển dịch đất đai; giảm đáng kể chi phí, nhân lực của bộ máy hành chính và hạn chế được tiêu cực, nhũng nhiễu khi Nhà nước thực hiện thu hồi đất.
Thứ hai, việc chưa cho phép nhà đầu tư đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác không phải là đất ở để thực hiện dự án nhà ở thương mại sẽ khiến nhà đầu tư phải bỏ ra nguồn vốn rất lớn để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp hoặc đất phi nông nghiệp không phải là đất ở. Tuy nhiên, nhà đầu tư phải đối mặt với rủi ro đều không được công nhận là chủ đầu tư do không đáp ứng điều kiện về quỹ đất xây dựng nhà ở thương mại phải hoàn toàn là đất ở.
Do đó, HoREA đánh giá việc xây dựng dự thảo “Đề án thí điểm trình cấp có thẩm quyền để trình Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết cho phép thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất khác quy định của Luật” là rất cần thiết và còn có tính “kế thừa” các quy định phù hợp pháp luật và thực tiễn của Luật Đất đai 2013.
Các quy định chặt chẽ, đồng bộ về giá đất của Luật Đất đai 2024 nếu được thực thi đầy đủ thì sẽ phòng ngừa và ngăn chặn được rủi ro gây thất thu ngân sách Nhà nước, thất thoát tài sản công là nguồn lực đất đai hoặc không để xảy ra tình trạng nhà đầu tư chiếm hưởng không chính đáng chênh lệch địa tô, bởi lẽ chỉ có Nhà nước mới có trách nhiệm và thẩm quyền quyết định giá đất, quyết định các phương pháp định giá đất, quyết định các trường hợp và điều kiện áp dụng phương pháp định giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất các dự án bất động sản, nhà ở thương mại.
Chuyển 150 căn nhà ở thương mại thành nhà ở xã hội, giá từ 450 triệu đồng/căn 
HoREA kiến nghị nới rộng các loại đất làm nhà ở thương mại