Huy động 245.000 tỷ đồng xây siêu công trình cầu - hầm kết hợp, ‘chôn sâu’ gần 200 cột trụ dưới bề mặt nước, 31 năm mới hoàn thành
Tokyo Bay Aqua-Line không chỉ là một công trình giao thông mà còn là biểu tượng cho sự phát triển kỹ thuật của Nhật Bản.
Tokyo Bay Aqua-Line là công trình giao thông phức hợp độc đáo, kết nối thành phố Kawasaki thuộc tỉnh Kanagawa với thành phố Kisarazu ở tỉnh Chiba, Nhật Bản .
Được xem như một trong những kỳ quan kỹ thuật của Nhật Bản hay “kiệt tác của xứ Phù Tang”, Tokyo Bay Aqua-Line giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa hai nơi từ 90 phút - 2 tiếng chỉ còn 15 phút. Đồng thời, nó cũng thúc đẩy kinh tế, du lịch giữa hai vùng ven biển phía Bắc và phía Nam của Vịnh Tokyo.
Theo trang Japan experience, siêu công trình này bao gồm một cây cầu dài 4,4km; một đường hầm ngầm dài 9,6km dưới đáy biển và hệ thống 197 cột trụ được chôn sâu dưới bề mặt nước.
Được thiết kế kiểu kiến trúc cầu, hầm kết hợp nên khi nhìn từ xa, Tokyo Bay Aqua-Line trông giống như một cây cầu đi thẳng xuống lòng đại dương.
Nó được thông xe và đi vào hoạt động hồi tháng 12/1997, sau 31 năm nghiên cứu và xây dựng. Đáng chú ý, tổng chi phí của dự án này lên tới 1,44 nghìn tỷ yên, ước tính khoảng 245 nghìn tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại.
Được biết, việc xây dựng Tokyo Bay Aqua-Line đã gặp phải nhiều thách thức kỹ thuật phức tạp, từ việc đối diện với áp lực nước dưới biển sâu, động đất, đến bảo trì và bảo dưỡng định kỳ để đảm bảo an toàn giao thông.
Về thiết kế và kỹ thuật, Tokyo Bay Aqua-Line bao gồm hai phần chính: cầu và đường hầm. Phần cầu là Aqua Line (Aqua Line Bridge) chạy từ phía Kisarazu. Cầu được xây dựng với công nghệ tiên tiến, có thể chịu được những điều kiện thời tiết khắc nghiệt như bão và động đất.
Còn đường hầm  Tokyo Bay Aqua là một trong những đường hầm dưới nước dài nhất thế giới khi hoàn thành. Được xây dựng bằng phương pháp đào hầm từ cả hai đầu và lắp ghép dưới biển, đường hầm này cũng được trang bị các hệ thống an toàn tiên tiến bao gồm cảm biến địa chấn, hệ thống quạt thông gió và các lối thoát hiểm khẩn cấp.
Phần nối giữa cây cầu và đường hầm là Umi-Hotaru, một bến đậu đa năng (sức chứa tối đa lên đến 400 chiếc xe). Nó tích hợp các nhà hàng, quán cà phê, khách sạn, phòng triển lãm Tokyo Bay Aqua-Line,... để du khách đến đây có thể nghỉ chân và tận hưởng vẻ đẹp ở vịnh Tokyo.
Tokyo Bay Aqua-Line không chỉ là một công trình giao thông mà còn là biểu tượng cho sự phát triển kỹ thuật của Nhật Bản. Trong tương lai, Aqua-Line có thể đóng vai trò ngày càng quan trọng trong các kế hoạch phát triển hạ tầng và đô thị hóa của Nhật Bản, đặc biệt trong bối cảnh các vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu đang ngày càng được quan tâm.