Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế này đã được trình lên Thủ tướng Chính phủ.
UBND TP. HCM đã hoàn chỉnh Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Đề án tiếp tục nhấn mạnh việc phát triển Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ  đồng bộ, hiện đại, ứng dụng công nghệ thông minh, tự động hóa trong hoạt động quản lý vận hành khai thác cảng. Đồng thời phải đảm bảo các yếu tố hiệu quả kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, đặc biệt là bảo vệ giữ gìn hệ sinh thái Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.
Theo đó hướng đến xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ thành trung tâm trung chuyển quốc tế của TP. HCM cũng như khu vực. Mục tiêu là thu hút các hãng tàu, vận tải, chủ hàng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trong và ngoài nước, tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải thế giới. Công suất dự kiến của Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đạt 4,8 triệu Teu trong năm 2030 và đến 2047 đạt 16,9 triệu Teu.
Theo đề án, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ được xây dựng tại khu vực cù lao Con Chó, xã Thạnh Anh, huyện Cần Giờ, TP. HCM. Tổng chiều dài cầu cảng chính dự kiến khoảng 7km và bến sà lan dự kiến khoảng 2km. Tổng diện tích ước tính khoảng 571ha. Quy mô khai thác tàu vận tải container có trọng tải lên đến 250.000DWT (24.000Teu), tàu trung chuyển có trọng tải từ 10.000-65.000 tấn (750-5.200Teu) và sà lan trọng tải tới 8.000T (356 Teu).
Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ dự kiến phân kỳ đầu tư trong 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 được thực hiện trước năm 2030 với hoạt động đầu tư 2 khu bến chính/7 khu bến chính. Giai đoạn 2 tiến hành trong khoảng thời gian 2030-2045 khi tiếp tục đầu tư hoàn thành toàn bộ các khu bến chính còn lại. Công tác chuẩn bị đầu tư từ năm 2023 đến năm 2025, xây dựng cảng từ năm 2025 đến năm 2027, khai thác cảng từ năm 2028.
Đánh giá của UBND TP. HCM, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ khi đi vào hoạt động sẽ đóng góp trực tiếp cho ngân sách Nhà nước khoảng từ 34.000 đến 40.000 tỷ đồng/năm, ước tính sẽ tạo ra việc làm cho 6.000-8.000 lao động. Với ý nghĩa tầm quốc gia, Cảng sẽ góp phần khẳng định vị thế vai trò của Việt Nam, định vị quốc gia trên bản đồ hàng hải khi là trung tâm trung chuyển quốc tế của khu vực thu hút các nhà vận tải, logistics lớn của thế giới, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của khu vực cũng như của quốc gia.
Cần Giờ có diện tích tự nhiên là 704,4533km2, chiếm 1/3 diện tích tự nhiên của TP. HCM. Diện tích rừng ngập mặn Cần Giờ trên 33.000ha, chiếm trên 45% diện tích tự nhiên của huyện, được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Tính đến tháng 12/2021, toàn huyện có 19.319 hộ dân với 76.485 nhân khẩu, mật độ dân cư thưa và phân bố không đều.
Nghị quyết 12-NQ/TU ngày 26/9/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy TP. HCM xác định: Xây dựng và phát triển huyện Cần Giờ trở thành thành phố biển mang đặc trưng một thành phố tăng trưởng xanh, thông minh và thân thiện môi trường. Huyện cần cần quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững nguồn lực đất đai, tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường, đặc biệt là tại các làng nghề, lưu vực sông.
>> Thành phố đông dân nhất Việt Nam: Khó lòng sở hữu căn hộ chỉ với 2 tỷ đồng