Huyện rộng nhất, có dân số nhỏ nhất TP. HCM, sở hữu siêu cảng 5,5 tỷ USD sẽ lên thành phố
Quy hoạch TP. HCM định hướng phát triển huyện này tập trung vào kinh tế biển với các lĩnh vực trọng tâm như cảng trung chuyển quốc tế, khu thương mại tự do, vận tải logistics, du lịch, đô thị sinh thái biển và năng lượng tái tạo.
Theo quy hoạch TP. HCM giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thành phố định hướng xây dựng mô hình đô thị đa trung tâm.
Theo đó, TP. HCM sẽ bao gồm: Khu vực đô thị trung tâm, đô thị Thủ Đức, đô thị Củ Chi - Hóc Môn, đô thị Bình Chánh, đô thị quận 7 - Nhà Bè và đô thị Cần Giờ (đô thị sinh thái biển).
Ranh giới của các đô thị sẽ được xác định theo quyết định thành lập đô thị do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt với mục tiêu hoàn thành vào năm 2050 để hướng đến sự phát triển bền vững, đồng bộ và hiện đại hóa.
Là huyện ven biển nằm ở phía Đông Nam TP. HCM, huyện Cần Giờ có vị trí chiến lược, tiếp giáp với nhiều khu vực kinh tế trọng điểm, gồm huyện Nhơn Trạch, huyện Long Thành (Đồng Nai), TP. Vũng Tàu và thị xã Bà Rịa (Bà Rịa - Vũng Tàu) ở phía Đông và Đông Bắc, huyện Cần Đước, huyện Cần Giuộc (Long An), huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) ở phía Tây, giáp huyện Nhà Bè về phía Tây Bắc và phía Nam giáp biển Đông.
> > Dự kiến xây đường trên cao hơn 12.800 tỷ ở khu 'tam giác vàng' 3 tỉnh phía Nam 
Theo Niên giám Thống kê 2023, Cần Giờ là huyện có diện tích lớn nhất TP. HCM với hơn 704km2 nhưng lại có dân số nhỏ nhất, trung bình chỉ 78.104 người.
Quy hoạch TP. HCM định hướng phát triển huyện Cần Giờ tập trung vào kinh tế biển với các lĩnh vực trọng tâm như cảng trung chuyển quốc tế, khu thương mại tự do, vận tải logistics, du lịch, đô thị sinh thái biển và năng lượng tái tạo.
Theo Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, khu vực cù lao Con Chó, xã Thạnh An được lựa chọn làm địa điểm triển khai dự án với tổng mức đầu tư dự kiến 129.000 tỷ đồng (khoảng 5,5 tỷ USD).
Dự án này được kỳ vọng đạt sản lượng hàng hóa khoảng 2,1 triệu TEU trong năm đầu hoạt động, góp phần giảm chi phí logistics, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa nội địa và tăng cường vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Khi hoàn thành, cảng Cần Giờ sẽ cùng cụm cảng Cái Mép - Thị Vải tạo thành tổ hợp cảng hiện đại, góp phần tái định vị bản đồ hàng hải khu vực và giảm sự phụ thuộc vào các trung tâm trung chuyển như Singapore, đồng thời mở ra tuyến vận chuyển hàng hóa trực tiếp quốc tế từ Việt Nam.
Về phát triển kinh tế - xã hội, trong năm 2024, huyện Cần Giờ đã đạt và vượt 17/18 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu với tốc độ tăng trưởng tổng giá trị sản xuất đạt 19,8%, vượt 0,3% kế hoạch.
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực với tỷ trọng ngành dịch vụ chiếm 62,4%, tăng 5,3% so với năm trước. Tổng mức đầu tư toàn xã hội trên địa bàn huyện đạt 1.790 tỷ đồng, tăng 51% so với năm 2023, trong khi thu ngân sách Nhà nước đạt 666,4 tỷ đồng, tăng 133% và vượt 200% so với dự toán Thành phố giao.