Huyện sở hữu hồ thủy lợi nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á quy hoạch 4 khu du lịch ven hồ tầm cỡ
Việc đầu tư vào khu du lịch cạnh các hồ lớn không chỉ góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch của tỉnh này, mà còn tạo động lực thúc đẩy kinh tế địa phương.
HĐND tỉnh Bình Dương đã thông qua nghị quyết về nhiệm vụ quy hoạch phân khu với 4 khu du lịch lớn dọc các hồ lớn trong cùng huyện Dầu Tiếng.
Đầu tiên là dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí tại bán đảo Tha La. Dự án được bao bọc bởi rừng phòng hộ núi Cậu về phía Đông và hồ Dầu Tiếng trải dài các phía Tây, Nam và Bắc, tạo nên một không gian thiên nhiên hài hòa, thơ mộng.
Với tổng diện tích quy hoạch khoảng 458ha, trong đó có 36ha mặt nước tự nhiên để bố trí cầu tàu và không gian sinh thái thủy sinh, dự án hứa hẹn trở thành điểm đến du lịch sinh thái đẳng cấp của khu vực. Theo định hướng, khu dịch vụ du lịch sinh thái tại bán đảo Tha La sẽ có sức chứa tối đa trong ngày từ 37.098-61.601 lượt khách, với khả năng lưu trú cùng lúc cho khoảng 13.613 du khách. Hệ thống lưu trú dự kiến cung cấp khoảng 4.880 phòng.
> > Tỉnh dự kiến không sáp nhập đưa thành phố trực thuộc cùng 2 huyện đảo trở thành 3 đặc khu

Thứ 2 là Khu du lịch sinh thái đập Thị Tính được quy hoạch có diện tích khoảng 575ha nằm trên địa bàn 3 xã, gồm: xã Long Hòa, xã Định Hiệp và xã An Lập.
Khu du lịch này được quy hoạch có các khu chức năng dịch vụ - du lịch sinh thái, biệt thự nghỉ dưỡng gắn với hồ Thị Tính, kết hợp với các chức năng du lịch giải trí sân golf, thương mại dịch vụ và khu vực nhà ở như: phòng nghỉ biệt lập, nhà hàng, hồ bơi, spa, cắm trại, lưu trú nghỉ dưỡng...
Thứ 3 là Khu dịch vụ du lịch sinh thái nghỉ dưỡng hồ Cần Nôm nằm trên địa bàn xã Thanh An, có quy mô 1.153ha. Khu du lịch này có các khu vực chức năng như: khu vực phát triển dịch vụ du lịch sinh thái nghỉ dưỡng; khu vực phát triển dịch vụ du lịch nông nghiệp công nghệ cao; Khu vực công trình dịch vụ công cộng; khu phức hợp thương mại dịch vụ; khu vực sân golf…

Cuối cùng là Khu dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí Cánh đồng Cây Siu với diện tích được quy hoạch trên 222ha tại xã Thanh Tuyền. Cánh đồng Cây Siu nằm sát sông Sài Gòn giáp với huyện Củ Chi (TP. HCM) và thị xã Trảng Bàng (Tây Ninh).
Với vị trí cận sông cực đẹp, dự án này hứa hẹn sẽ là điểm thu hút khách du lịch, tạo công ăn việc làm cho huyện Dầu Tiếng.
Việc quy hoạch 4 khu du lịch trên nhằm cụ thể hóa định hướng phát triển của quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời phù hợp với quy hoạch xây dựng vùng huyện Dầu Tiếng đến năm 2040. Dự án hướng đến phát triển một mô hình du lịch bền vững, kết hợp bảo vệ môi trường, khai thác hiệu quả tiềm năng thiên nhiên và thúc đẩy kinh tế xanh.
Được khởi công xây dựng từ năm 1981 và hoàn thành vào năm 1985 sau hơn 4 năm thi công, hồ Dầu Tiếng trải dài trên địa bàn 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước. Hồ có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho hơn 93.000ha đất nông nghiệp, được nhận định là hồ thuỷ lợi nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á.