Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng Mỹ sẽ đạt được nhiều lợi ích hơn nếu tiếp tục mở cửa thương mại thay vì áp đặt các mức thuế trừng phạt đối với hàng hóa Trung Quốc.
Vào ngày 15/5, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF ) cho biết rằng Mỹ sẽ đạt được nhiều lợi ích hơn nếu duy trì hệ thống thương mại mở thay vì áp đặt các mức thuế trừng phạt đối với hàng hóa Trung Quốc.
Đồng thời, IMF nhấn mạnh rằng Washington và Bắc Kinh nên hợp tác cùng nhau để giải quyết căng thẳng thương mại .
Người phát ngôn của IMF, Julie Kozack, phát biểu trong một cuộc họp báo thường kỳ rằng những hạn chế thương mại được Tổng thống Joe Biden công bố ngày 14/5 có thể “bóp méo” ngành thương mại và đầu tư, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và dẫn đến các hành động trả đũa.
Bà bình luận: “Sự chia rẽ ở thời điểm hiện tại có thể sẽ rất tốn kém cho nền kinh tế toàn cầu”.
Theo Kozack, IMF ước tính đã có khoảng 3.000 lệnh hạn chế thương mại toàn cầu vào năm 2023, tăng từ 1.000 hạn chế vào năm 2019.
Trong trường hợp xấu nhất, điều này có thể làm giảm sản lượng kinh tế toàn cầu khoảng 7%, tương đương với việc loại bỏ GDP của cả Nhật Bản và Đức.
Giám đốc Truyền thông Chiến lược của IMF, Julie Kozack. Ảnh: Reuters |
Bà Kozack nói: “Về thuế quan, quan điểm của chúng tôi là Mỹ sẽ được phục vụ tốt hơn bằng cách duy trì các chính sách thương mại mở, vốn rất quan trọng đối với hiệu suất kinh tế nước này”.
Bên cạnh đó, IMF cũng khuyến khích Mỹ và Trung Quốc hợp tác để tìm ra giải pháp giải quyết những mối lo ngại cơ bản đang làm trầm trọng thêm căng thẳng thương mại giữa 2 nước.
Reuters cho hay, Washington đã áp thuế cao hơn đối với xe điện, sản phẩm năng lượng mặt trời, chất bán dẫn, vật tư y tế và các hàng hóa khác của Trung Quốc như một biện pháp để bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước trước chính sách kinh tế của Trung Quốc.
Những chính sách này được cho là khuyến khích đầu tư và sản xuất quá mức vào những lĩnh vực kể trên, dự kiến sẽ tạo ra làn sóng xuất khẩu ra thị trường toàn cầu.
Trong khi đó, Bắc Kinh tuyên bố sẽ trả đũa các mức thuế mới và cáo buộc một số quan chức Mỹ “mất trí”.
Theo kế hoạch, bà Gopinath sẽ tổ chức một cuộc họp báo về khuyến nghị của IMF đối với Trung Quốc vào ngày 29/5 sắp tới.
>> IMF cảnh báo AI sẽ tấn công như ‘một cơn sóng thần’, liệt kê những ngành bị ảnh hưởng nặng nhất
Ông Biden nối bước "chiến tranh thương mại" của người tiền nhiệm? 
Một quốc gia 'ảo' bất ngờ trở thành đối tác thương mại của siêu cường thế giới