IMF nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu nhờ khả năng phục hồi của Mỹ và các chính sách hỗ trợ tại Trung Quốc
Bức tranh tổng thể năm 2024 sẽ bớt ảm đạm hơn do 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đều có những cải thiện đáng kể về triển vọng tăng trưởng năm nay.
CNBC đưa tin Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm 30/1 đã nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu lên cao hơn, nhờ khả năng phục hồi bất ngờ ở các nền kinh tế phát triển và mới nổi trên khắp thế giới, trong đó có Mỹ  và Trung Quốc .
Hiện tại, họ dự đoán mức tăng trưởng toàn cầu vào năm 2024 là 3,1%, tăng 0,2 điểm so với dự báo trước đó vào tháng 10/2023, tiếp theo là mức tăng trưởng 3,2% trong năm 2025.
Một số nền kinh tế mới nổi lớn như Brazil, Ấn Độ  và Nga cũng có hiệu suất tốt hơn so với dự báo trước đây.
IMF tin rằng khả năng xảy ra suy thoái kinh tế sau một thời kỳ tăng trưởng mạnh đã giảm đi, bất chấp những rủi ro mới từ giá hàng hóa tăng đột biến và các vấn đề về chuỗi cung ứng do biến động địa chính trị ở Trung Đông.
Mức tăng trưởng trong năm nay được dự kiến đạt khoảng 2,1% ở Mỹ và 0,9% ở cả khu vực đồng euro và Nhật Bản, trong khi Anh sẽ là 0,6%.
Nhà kinh tế trưởng của IMF, Pierre-Olivier Gourinchas, nhận định: “Chúng ta thấy được sự kiên cường của nền kinh tế toàn cầu trong nửa cuối năm ngoái và điều đó sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2024”.
Số liệu chính thức mới nhất cho thấy nền kinh tế Mỹ đã vượt kỳ vọng của các nhà kinh tế trong quý IV/2023, với mức tăng trưởng 3,3%.
Trưởng Cố vấn kinh tế IMF, Pierre-Olivier Gourinchas: "Chúng ta có thể chứng kiến việc cắt giảm lãi suất ở nửa cuối năm nay". Ảnh: CNBC |
Trong khi đó, Trung Quốc phải đối mặt với một loạt bất cập trong năm 2023, bao gồm sự phục hồi đáng thất vọng trong chi tiêu sau đại dịch, lo ngại về giảm phát và cuộc khủng hoảng ngành bất động sản đang diễn ra.
Chính phủ nước này đang triển khai một loạt các biện pháp kích thích để hỗ trợ nền kinh tế, góp phần nâng cao dự báo tăng trưởng của IMF.
Tuy nhiên, dự báo của IMF vẫn thấp hơn mức tăng trưởng trung bình toàn cầu từ năm 2000 đến năm 2019 là 3,8%. Lãi suất cao hơn, việc rút lại một số chương trình hỗ trợ tài chính và tăng trưởng năng suất thấp sẽ tiếp tục đè nặng lên nền kinh tế toàn cầu.
Nhưng chính sách tiền tệ hạn chế đã khiến lạm phát giảm nhanh hơn dự kiến ở hầu hết các khu vực, điều mà Gourinchas gọi là “một tin tốt khác” trong báo cáo hôm 30/1. Theo IMF, lạm phát toàn cầu sẽ ở mức 5,8% vào năm 2024 và 4,4% vào năm 2025. Ở những nước phát triển, lạm phát có thể giảm xuống còn 2,6% trong năm nay và 2% vào năm tới.
Nhà kinh tế trưởng Gourinchas bình luận: “Cuộc chiến chống lạm phát đang giành thắng lợi và chúng ta có nhiều khả năng hạ cánh mềm hơn. Việc này có thể tạo tiền đề cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), các ngân hàng trung ương và nhiều tổ chức khác bắt đầu nới lỏng chính sách lãi suất”.
Ông lưu ý thêm, mặc dù các ngân hàng trung ương không nên nới lỏng quá sớm, nhưng cũng có nguy cơ chính sách bị siết chặt trong thời gian dài. Điều này sẽ làm chậm tăng trưởng và khiến lạm phát ở các nền kinh tế phát triển xuống dưới 2%.
>> IMF phân tích triển vọng kinh tế toàn cầu