Ít ai biết đến nhưng đây là ngôi trường đứng sau sự trỗi dậy của DeepSeek: Nơi ươm mầm những ‘quái kiệt’ công nghệ
Từ một cái tên ít được biết đến bên ngoài Trung Quốc, ngôi trường này đang vươn lên trở thành một trung tâm đổi mới hàng đầu và là bệ phóng cho nhiều doanh nhân hàng đầu Trung Quốc.
DeepSeek , công ty AI khiến các đối thủ quốc tế kinh ngạc với những mô hình đột phá hồi tháng trước, được phát triển tại Hàng Châu, Trung Quốc.
Đứng sau startup này là Liang Wenfeng, cựu sinh viên của Đại học Chiết Giang (Zhejiang University – hay còn gọi là Zhe Da). Dù chưa được biết đến rộng rãi bên ngoài Trung Quốc, Zhe Da đang trở thành trung tâm của một hệ sinh thái nghiên cứu và khởi nghiệp sôi động, tương tự như Thung lũng Silicon của Mỹ.
Hệ sinh thái này đã trở thành tâm điểm chú ý vào ngày 17/2, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp gỡ một nhóm doanh nhân công nghệ tại Bắc Kinh. Trong số đó có nhà sáng lập Alibaba  Jack Ma, người từng biến mất khỏi công chúng vào năm 2020 sau khi chỉ trích cơ quan quản lý tài chính.
Một nhân vật đáng chú ý khác là Liang Wenfeng, người từng nghiên cứu về AI tại Zhe Da và khởi nghiệp từ đây. Việc ông Tập công khai xuất hiện cùng Jack Ma và gặp gỡ Liang Wenfeng được cho là sẽ tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của Hàng Châu.

Zhe Da – từ trung tâm nghiên cứu đến cái nôi doanh nhân
Trong vài thập kỷ qua, Zhe Da đã phát triển mạnh mẽ, đầu tư vào thiết bị hiện đại và thu hút các nhà khoa học hàng đầu. Hiện tại, khoảng 70.000 sinh viên và giảng viên đang học tập và làm việc tại 7 cơ sở của trường.
Không chỉ là một trung tâm nghiên cứu, Zhe Da còn đặc biệt thành công trong việc biến sinh viên tài năng thành các doanh nhân. Nhà trường đặt mục tiêu trở thành một trường đại học "đẳng cấp thế giới" vào năm 2027, với mô hình hoạt động lấy Đại học Stanford của Mỹ làm hình mẫu.
Theo bảng xếp hạng đại học thế giới QS, Zhe Da hiện đứng thứ 47 toàn cầu. Nhưng theo một số tiêu chí, trường đã vượt mặt nhiều đại học danh tiếng khác.
Trong bảng xếp hạng mới nhất của Leiden, Zhe Da là đại học có số lượng bài báo khoa học nhiều nhất thế giới, chỉ đứng sau Harvard về số lượng nghiên cứu thuộc top 10% có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực của họ.

Cựu sinh viên của trường cũng là những doanh nhân giàu có nhất Trung Quốc. Theo bảng xếp hạng của Hurun, những người tốt nghiệp Zhe Da có tài sản từ 5 tỷ NDT (khoảng 700 triệu USD) trở lên - bao gồm Colin Huang (nhà sáng lập Pinduoduo) và Duan Yongping (ông trùm ngành điện tử).
Gần đây, danh tiếng của Zhe Da càng lên cao nhờ làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ tại Hàng Châu. Trung Quốc đang xôn xao bàn tán về "Sáu con rồng nhỏ" – nhóm 6 startup tăng trưởng nhanh tại Hàng Châu, trong đó có 3 công ty do cựu sinh viên Zhe Da sáng lập.
Ngoài DeepSeek, còn có Manycore Tech (công ty phần mềm thiết kế 3D) và Deep Robotics, chuyên sản xuất robot 4 chân dùng trong tuần tra và cứu hộ.
Chuyên gia cho hay, có 3 yếu tố tạo nên thành công của Zhe Da. Đó là:
1. Môi trường thúc đẩy tài năng
Dù phần lớn sinh viên Trung Quốc khao khát công việc ổn định trong khu vực công, Zhe Da từ lâu đã thu hút những người dám mạo hiểm, tham gia vào các cuộc thi khởi nghiệp để kêu gọi vốn từ chính trường đại học.
Các giáo sư của trường cũng khuyến khích sinh viên thử nghiệm liên ngành để nảy ra ý tưởng mới và tạo ra một môi trường "chấp nhận rủi ro".
Một ví dụ điển hình là Huang Chaoyu, sinh viên năm 3 ngành khoa học vật liệu, từng chế tạo bể cá có thể điều chỉnh nhiệt độ khi còn học phổ thông. Hiện tại, Huang (21 tuổi) đã thành lập một công ty chuyên phát triển keo sinh học giúp chữa lành vết thương.
Theo thống kê của trường, khoảng 20% sinh viên lớp đào tạo khởi nghiệp (được mở từ năm 1999) bắt đầu thành lập công ty trong vòng 5 năm sau khi tốt nghiệp.
Ngay cả giảng viên của trường cũng tích cực tham gia khởi nghiệp. Deep Robotics do giáo sư Zhu Qiuguo của khoa kỹ thuật điều hành, trong khi giáo sư Gao Chao điều hành một công ty sản xuất vải từ graphene – vật liệu tiên tiến.

2. Lợi thế vị trí địa lý
Hàng Châu, cách Thượng Hải chỉ 45 phút đi tàu cao tốc, được đánh giá là một thành phố đáng sống với hệ thống kênh rạch chằng chịt.
Sau năm 1949, Chính phủ Trung Quốc ít chú ý đến thành phố này, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân phát triển khi cải cách kinh tế bắt đầu năm 1978. Trong số 100 doanh nghiệp lớn nhất Hàng Châu, có đến 82 công ty tư nhân - một tỷ lệ rất cao so với các thành phố khác của Trung Quốc.
Việc Alibaba được thành lập tại đây cũng góp phần không nhỏ vào thành công của Zhe Da. Nhà trường gọi Alibaba là "người hàng xóm, đối tác và bạn bè tốt".
Năm 2017, Jack Ma quyên góp một khoản tiền lớn cho bệnh viện đại học. Đến năm 2023, Alibaba còn tặng phòng thí nghiệm điện toán lượng tử của mình cho Zhe Da. Từ gần một thập kỷ nay, hai bên đã hợp tác vận hành một trung tâm nghiên cứu công nghệ tiên tiến, thu hút sinh viên và nghiên cứu sinh của trường.
3. Chính quyền địa phương hỗ trợ mạnh mẽ
Chính quyền Hàng Châu nổi tiếng với tác phong làm việc hiệu quả, không dựa vào mối quan hệ hay các buổi tiếp khách xa hoa. Nhiều dịch vụ công của thành phố có thể thực hiện trực tuyến qua một ứng dụng, giúp doanh nhân khởi nghiệp dễ dàng hơn. Được biết các startup do tiến sĩ điều hành có thể nhận khoản tài trợ lên tới 15 triệu NDT (hơn 2 triệu USD) nếu đặt trụ sở tại Hàng Châu.
Vươn ra toàn cầu
Dù có nhiều lợi thế, Zhe Da vẫn đối mặt với những thách thức khi muốn cạnh tranh ở tầm quốc tế. Một trong số đó là sự phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước. Điều này giúp trường phát triển nhanh nhưng cũng khiến họ chịu ảnh hưởng từ chính sách tài khóa và ưu tiên của Chính phủ.
Dù cựu sinh viên rất hào phóng, khả năng xây dựng một quỹ tài trợ lớn như trường Stanford (36 tỷ USD) là điều không dễ dàng.
Một rào cản khác là tính quốc tế. So với các đại học phương Tây, Zhe Da có rất ít giảng viên và sinh viên quốc tế. Trường đã chiêu mộ một số nhà nghiên cứu hàng đầu từ Mỹ, nhưng phần lớn vẫn là người gốc Trung Quốc. Căng thẳng địa chính trị với phương Tây cũng là một vấn đề đáng lo ngại.
Dù vậy, theo William Kirby, chuyên gia Trung Quốc tại Harvard Business School, Zhe Da đang cho thấy rằng "các cường quốc giáo dục toàn cầu đang thay đổi một cách mạnh mẽ".
Theo The Economist
>> DeepSeek thổi bùng làn sóng tự cung tự cấp của các công ty chip Trung Quốc
DeepSeek cập nhật thay đổi quan trọng về mô hình kinh doanh, hứa hẹn khai phá 'mỏ vàng' 
Từ BYD đến Huawei, doanh nghiệp Trung Quốc ‘đua nhau’ ứng dụng DeepSeek