Khách sạn này dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng vẫn là khách sạn mang thương hiệu ấn tượng tại Thủ đô.
Sheraton Hà Nội  là một trong số các khách sạn 5 sao sang trọng tại Hà Nội, sở hữu vị trí đắc địa ngay cạnh Hồ Tây. Có thể nói, hiện nay có rất nhiều khách sạn mọc lên nhưng Sheraton vẫn là khách sạn mang thương hiệu riêng khó có khách sạn nào tại Thủ đô vượt qua được.
Sheraton Hà Nội được khởi công từ năm 1993 bởi Tập đoàn Thái Lan Faber Group (Faber Labuan Sdn Bhd). Đến năm 1998, công trình về cơ bản được hoàn thiện và chuẩn bị đón khách thì cuộc khủng hoảng tài chính tại Thái Lan đã khiến chủ đầu tư gặp khó khăn. Cha đẻ Faber Group đã rao bán Sheraton Hà Nội nhưng không thành công.
Khách sạn Sheraton nằm ở vị trí đắc địa của Thủ đô
Sau khi rao bán nhiều lần không được, ông chủ tiếp tục hoàn thiện khách sạn và mất thêm 6 năm nữa, đến năm 2004, khách sạn này mới được đưa vào hoạt động. Sau đó, ngày khai trương khách sạn đã bị lùi lại tới tháng 3/2004 với đúng thiết kế ban đầu: 18 tầng, 299 phòng.
Song, chỉ vài tháng sau ngày khai trương, Sheraton lại một lần nữa dính vận đen khi bị chập điện. "Ngay trong đêm, Ban Giám Đốc khách sạn phải đưa ra quyết định sơ tán toàn bộ khách sang khách sạn khác. Vì sự cố mất điện xảy ra trong đêm, tất cả nhân viên trực trong khách sạn lúc ấy phải lên từng phòng của khách giúp họ đóng đồ và hộ tống họ xuống sảnh bằng thang bộ", bà Nguyễn Thị Cẩm Ly – Phó Giám đốc Marketing và Truyền thông Sheraton Hà Nội chia sẻ trong lễ kỷ niêm 20 năm thành lập.
Kỳ diệu là Sheraton Hà Nội nhanh chóng gặt hái được trái ngọt từ những năm hoạt động đầu tiên. Doanh thu của khách sạn tăng dần đều, 10 triệu USD, 20 triệu USD và 44 triệu USD trong các năm 2005, 2006, 2007. Lợi nhuận mà khách sạn này đạt được lần lượt là 6,9 triệu USD, 13 triệu USD và 23 triệu USD qua 3 năm này.
Bên trong đại sảnh khách sạn Sheraton Hà Nội
Ấn tượng nhất là vào năm 2006, khách sạn Sheraton vinh dự được lựa chọn là nơi đón tiếp cựu Tổng thống Mỹ - George W. Bush  khi ông đến tham dự hội nghị APEC và thăm chính thức Việt Nam. Khi đó, phía Mỹ đã thuê trọn tầng 18 của khách sạn để dành cho Tổng thống. Toàn bộ tầng 18 và hành lang được lực lượng an ninh Mỹ phụ trách, không ai có thể tiếp cận. Một báo cáo cho biết tại thời điểm 31/12/2006, sau chuyến thăm của cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush, tỷ lệ lấp đầy tại Sheraton đã chạm mốc 75,4%.
Tuy nhiên, đến năm 2007, Faber Group đã đưa ra một quyết định chiến lược: Rút hoàn toàn khỏi Sheraton Hà Nội. Người mua là Berjaya Land Berhad (BHR) của tỷ phú Malaysia Vincent Tan. Thương vụ này trị giá 68,2 triệu USD (khoảng 995 tỷ đồng tại thời điểm đó).
Đến giai đoạn 2008-2009 lại là giai đoạn xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính khác trên phạm vi toàn cầu. Tỷ lệ lấp đầy tại Sheraton Hà Nội bị giảm từ 75,4% xuống chỉ còn hơn 50% vào năm 2009.
Phải đến năm 2016, khách sạn mới lấy lại được phong độ như hồi trước khủng hoảng. Khi đó, tỷ lệ lấp đầy tăng vọt lên 82,9%, khách sạn ghi nhận mức tăng doanh thu từ 29,6% lên khoảng 15,3 triệu USD. Những năm sau đó, doanh thu dao động từ 15-20 triệu USD. Năm 2019, trước thềm đại dịch Covid-19, Sheraton chỉ thu về 19,7 triệu USD, tăng trưởng tích cực trong mảng kinh doanh thực phẩm và đồ uống. Đối với doanh thu phòng khách có xu hướng đi lùi khi tỷ lệ đặt phòng trong 9 tháng đầu năm thấp hơn cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, trải qua những năm tháng kinh doanh thăng trầm, Sheraton vẫn là địa chỉ tin cậy đối với các chính khách nước ngoài. Tính từ năm 2004 đến nay, đã có khoảng 100 đoàn nguyên thủ quốc gia  tới lưu trú tại khách sạn.
Gần đây nhất vào tháng 9/2023, Sheraton Hà Nội tiếp tục đón một tổng thống Mỹ khác, khi tổ chức sự kiện phục vụ tiệc chiêu đãi trọng thể Tổng thống Mỹ Joe Biden của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.
Ngoài ra, mỗi năm khách sạn này tiếp đón khoảng 100.000 khách và tổ chức hơn 100 sự kiện, đám cưới.
Lộ diện chung cư quán quân tăng giá 'thần tốc' tại Hà Nội, 2 tháng lên 33% 
Vành đai 4 khởi công, giá đất ven Hà Nội tăng cả chục triệu đồng/m2 sau 1 tháng