Cầu nghìn tỷ có nhịp chính lớn nhất Đông Nam Á sau 2 năm xây dựng: Trụ chính vươn cao hàng chục mét, dự kiến hoàn thành vượt tiến độ
Sau 2 năm xây dựng, dự án đang có tiến độ vượt kế hoạch. Dự kiến trong 1 năm nữa, cây cầu sẽ chính thức hoàn thành và thông xe.
Dự án cầu Phước An là công trình giao thông trọng điểm, bắc qua sông Thị Vải, kết nối tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu  với Đồng Nai. Dự án có tổng chiều dài gần 4,4km, trong đó phần cầu chính dài hơn 3,5km, còn lại là các đoạn đường dẫn hai đầu cầu. Tổng mức đầu tư khoảng 4.900 tỷ đồng, diện tích đất sử dụng để xây dựng cầu trên địa bàn 2 tỉnh là hơn 18,5ha.
Sau gần hai năm thi công, hai trụ chính của cầu đã vươn cao hàng chục mét giữa lòng sông Thị Vải , kết nối từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến cảng Phước An (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai).

Theo thiết kế, cầu có tĩnh không thông thuyền 55m, cho phép tàu trọng tải đến 30.000 tấn lưu thông không trở ngại. Đáng chú ý, cầu Phước An sở hữu khoảng cách giữa hai nhịp chính lên tới 250m, được ghi nhận là lớn nhất Đông Nam Á tính đến thời điểm hiện tại.
Cùng với cầu Bình Khánh thuộc tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, cầu Phước An là một trong những cây cầu có độ cao thông thuyền lớn nhất Việt Nam.
Hiện nay, phần đường dẫn thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai đang được phát quang cây cối để triển khai thi công các trụ cầu cạn. Theo kế hoạch, toàn bộ dự án dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2027. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tiến độ đang vượt khoảng 6 tháng.
Tại công trường, khoảng 350 kỹ sư và công nhân đang làm việc liên tục cùng với các thiết bị chuyên dụng như cẩu siêu trọng 350 tấn, 250 tấn, hệ thống cẩu tháp để đảm bảo tiến độ thi công.

Ban Quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải, chủ đầu tư công trình, cho biết hiện nay các nhà thầu đang tổ chức nhiều mũi thi công đồng thời để sớm hoàn thiện hai trụ chính.
Sau khi hoàn thành, cầu Phước An sẽ đóng vai trò then chốt trong việc kết nối đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải với hệ thống cao tốc khu vực như Bến Lức - Long Thành, TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây… Từ đó, hình thành mạng lưới liên kết vùng hiệu quả giữa các trung tâm kinh tế lớn.
Công trình này sẽ giúp kết nối toàn bộ nhóm cảng biển số 5 với vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, đồng thời góp phần giải tỏa ùn tắc trên tuyến Quốc lộ 51 và các trục đường huyết mạch khác.
Không chỉ mang ý nghĩa giao thông, cầu Phước An còn được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tỉnh Đồng Nai, TP. HCM nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.