Khai quật khu đất rộng 6.000m2 giữa lòng Hà Nội, các nhà khảo cổ Việt Nam tìm thấy hơn 100 mộ táng niên đại lên tới 4.000 năm
Đây là một khám phá quan trọng, góp phần cung cấp bằng chứng khảo cổ về thời kỳ Hùng Vương dựng nước.
Theo thông tin trên Báo Dân Việt, các nhà khảo cổ mới đây đã công bố phát hiện đáng kinh ngạc với hơn 100 ngôi mộ  cổ thuộc giai đoạn tiền Đông Sơn và Đông Sơn, có niên đại từ 2.500 đến 4.000 năm trước. Tất cả được phát lộ trên khu đất rộng 6.000m² ở phía Tây Di chỉ Vườn Chuối, huyện Hoài Đức, Hà Nội .
“Những kết quả khai quật, nghiên cứu đã góp phần cung cấp đầy đủ chứng cứ hiện vật về sự có mặt của con người từ rất sớm trên khu vực Hà Nội ngày nay. Hơn nữa còn chứng minh nguồn gốc bản địa và lịch sử các nhóm người dân tộc Việt từ thời tiền sơ sử, chứng minh rõ dần thời đại ‘Hùng Vương dựng nước’ bằng các chứng cứ khảo cổ học,” Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Quý, Viện Khảo cổ học cho biết trên Báo Vietnamplus.
Tất cả được phát lộ trên khu đất rộng 6.000m² ở phía Tây Di chỉ Vườn Chuối, huyện Hoài Đức, Hà Nội. (Ảnh: Báo Dân Việt)
Theo đó, cuộc khai quật được thực hiện bởi Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Hà Nội và Trường Đại học KHXH&NV, bắt đầu từ cuối tháng 3. Qua 60 hố khai quật, các nhà khoa học đã tìm thấy 70 mộ táng thuộc thời tiền Đông Sơn (khoảng 4.000 năm trước) và 40 mộ táng thuộc thời Đông Sơn (khoảng 2.500 năm trước).
Di chỉ Vườn Chuối lưu giữ dấu tích văn hóa tiền Đông Sơn, trong đó, khu vực phía Tây Bắc là nơi tập trung các ngôi mộ cổ. Các di tích tại đây có khả năng thuộc giai đoạn Phùng Nguyên muộn - Đồng Đậu sớm, gợi mở về lớp cư dân đầu tiên từng sinh sống ở khu vực này.
Đặc biệt, tập tục nhổ răng cửa ở người trưởng thành - một phong tục phổ biến ở thời tiền Đông Sơn - đã không còn xuất hiện trong thời Đông Sơn, giúp phân biệt niên đại các di cốt.
Toàn cảnh khu vực khai quật khảo cổ Di chỉ Vườn Chuối rộng 6.000m2 (Ảnh: Internet).
Ngoài ra, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy dấu vết hố chôn cột nhà, cho thấy người Đông Sơn có thể sinh sống trong những ngôi nhà dài, kiểu kiến trúc tương đồng với nhà dài của một số dân tộc ở Trường Sơn - Tây Nguyên ngày nay.
Hiện nay, ngoài Di chỉ Vườn Chuối, Di chỉ Làng Cả (phường Thọ Sơn, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) là di chỉ lớn nhất thuộc văn hóa Đông Sơn với 336 mộ táng được phát hiện qua ba lần khai quật. Những di chỉ này là bằng chứng sống động về quá trình dựng nước và phát triển của dân tộc, giúp các nhà khoa học nghiên cứu sâu hơn về thời đại Hùng Vương và Nhà nước Văn Lang thông qua tư liệu khảo cổ.