Khai quật rừng mộ đá 400 năm tuổi: Phát hiện 12 ‘bông hoa vàng’ quý hiếm cùng hàng trăm đồng tiền cổ từ nhiều triều đại
Năm 1997, khu mộ này chính thức được công nhận là di tích lịch sử khảo cổ cấp quốc gia.
Tọa lạc tại xóm Chiềng, xã Vĩnh Đồng, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình  – trung tâm của Mường Thàng, khu mộ cổ Đống Thếch từ lâu đã trở thành một địa danh huyền bí, ẩn chứa những câu chuyện đầy ly kỳ về dòng họ Đinh, một trong những dòng họ quan lang quyền quý nhất của người Mường xưa.
Theo tương truyền, khu mộ  này có niên đại hơn 400 năm và trong lòng người dân địa phương, nó được coi như “thánh địa” bất khả xâm phạm của nhà lang Mường Động.
\Nằm trên ngọn đồi cao nhất, được bao quanh bởi những vạt ngô, đậu xanh mướt, hệ thống mộ cổ nổi bật với những cột đá sừng sững, oai phong như biểu tượng cho uy thế của các bậc quan lang đất Mường. Những cột đá cao nhất có chiều rộng hơn 1m và vươn lên khoảng 4m, phủ kín bởi lớp rêu xanh tạo nên vẻ huyền bí. Các phiến đá còn khắc những dòng chữ cổ, đã mờ nhòa theo thời gian, làm tăng thêm sự huyễn hoặc cho khu mộ này.
Được xây dựng vào thế kỷ XVII, khu mộ cổ Đống Thếch đã trải qua hàng trăm năm trường tồn. Tuy nhiên, vào tháng 12 năm 1984, trước tình trạng đào bới trái phép nhằm tìm kiếm cổ vật, khu mộ đã bị xâm phạm nghiêm trọng.
Để bảo vệ di tích, Viện Khảo cổ học Việt Nam đã phối hợp với Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Hà Sơn Bình (cũ) tiến hành khai quật khẩn cấp. Cuộc khai quật này đã giúp phát hiện nhiều hiện vật quý giá, trong đó đáng chú ý nhất là những chiếc trống đồng nhỏ có niên đại từ thế kỷ II-XII, cùng với đồ gốm sứ có xuất xứ từ Nhật Bản và Trung Quốc, có niên đại từ thế kỷ XI-XVI.
Đặc biệt, trong một ngôi mộ đá, các nhà khảo cổ đã tìm thấy 12 bông hoa lớn được đúc bằng vàng ròng và 137 đồng tiền cổ thuộc nhiều triều đại, với đồng tiền muộn nhất thuộc thời An Pháp Nguyên Bảo. Qua những nghiên cứu sơ bộ, ngôi mộ này được xác định có niên đại từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVI.
Năm 1997, khu mộ Đống Thếch chính thức được công nhận là di tích lịch sử khảo cổ cấp quốc gia. Đối với người dân địa phương, nơi đây không chỉ là một khu di tích mà còn là biểu tượng của lòng tôn kính đối với tổ tiên và các bậc tiền nhân, những người đã góp phần vào lịch sử văn hóa của vùng đất Mường Thàng.
>> Khu mộ tập thể lớn nhất được khai quật ở châu Âu, chôn cất tới 1.500 bệnh nhân dịch hạch