'Khám sức khỏe' ngân hàng từ cuộc đua tăng vốn
Theo chuyên gia, các ngân hàng đua nhau tăng vốn điều lệ để tăng hệ số đề phòng rủi ro trong bối cảnh nợ xấu gia tăng. Việc trích lập dự phòng rủi ro bao nhiêu sẽ tùy thuộc vào “sức khỏe” của mỗi ngân hàng, chính vì vậy tỷ lệ bao phủ nợ xấu giữa các ngân hàng cũng có sự khác biệt.
Cấp tốc tăng vốn điều lệ
Dự kiến ngày 30/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trong đó có quyết định về chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank .
Trước đó, Chính phủ đề xuất cho phép Vietcombank được sử dụng lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập để tăng vốn điều lệ thông qua hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu. Với phương án này, phần lợi nhuận được chia cho cổ đông Nhà nước bằng cổ phiếu gần 20.700 tỷ đồng. Đây được xem là phần đầu tư bổ sung vốn nhà nước vào Vietcombank.
Nếu được Quốc hội thông qua, Vietcombank có thể sớm phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, tăng vốn điều lệ thêm 27.666 tỷ đồng (gồm cả vốn của Nhà nước và cổ đông khác), tương ứng với tỷ lệ chi trả 49,5%. Sau khi phát hành, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ đạt 83.557 tỷ đồng - vươn lên vị trí số 1 trong hệ thống ngân hàng, bỏ xa hai ngân hàng đang dẫn đầu là VPBank (79.339 tỷ đồng) và Techcombank (70.450 tỷ đồng).
Ngân hàng Eximbank vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận sửa vốn điều lệ. |
Ngày 25/11, Ngân hàng Eximbank chính thức được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận sửa đổi mức vốn điều lệ tại giấy phép hoạt động theo Quyết định số 2570. Theo đó, vốn điều lệ hiện tại của Eximbank là 18.688 tỷ đồng. Cụ thể, vốn điều lệ của Eximbank được tăng thêm 1.218 tỷ đồng thông qua hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối lũy kế đến năm 2023 sau khi trích lập các quỹ. Phương án tăng vốn điều lệ này đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của Ngân hàng thông qua.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng mới ban hành Quyết định số 2378 về việc điều chỉnh vốn điều lệ trên giấy phép hoạt động của SeABank. Theo đó, vốn điều lệ của SeABank tăng thêm 3.393 tỷ đồng, từ 24.957 tỷ đồng lên 28.350 tỷ đồng, tương đương tổng tỷ lệ tăng gần 13,6%.
Tại đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 16/11 vừa qua cổ đông LPBank đã phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ năm 2024 thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2023 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 16,8%. Dự kiến vốn điều lệ của LPBank sau phát hành sẽ tăng lên tối đa là 29.873 tỷ đồng, đưa ngân hàng này vào nhóm 10 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất trên sàn.
HDBank mới đây cũng đã nhận được văn bản của Ngân hàng Nhà nước về việc chấp thuận tăng vốn điều lệ thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu. Theo đó, HDBank được tăng vốn điều lệ thêm tối đa hơn 5.825 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế theo phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông 2024 thông qua.
Sau khi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20%, vốn điều lệ HDBank sẽ tăng lên hơn 34.900 tỷ đồng.
Bac A Bank vừa công bố phát hành thành công lô trái phiếu trị giá 1.000 tỷ đồng, nhằm đẩy mạnh huy động vốn để đáp ứng nhu cầu tài chính trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động. Song song đó, ngân hàng dự kiến phát hành gần 96 triệu cổ phiếu phổ thông cho cổ đông hiện hữu với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu, tỷ lệ 10% trên số cổ phiếu đang lưu hành.
Khi hoàn tất hai phương án trên, Bac A Bank dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 1.579 tỷ đồng, từ 8.959 tỷ đồng lên 10.538 tỷ đồng.
Gia tăng trích lập dự phòng rủi ro vì nợ xấu
Trao đổi với PV Tiền Phong, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - Trường Đại học Kinh tế TPHCM - nhận định, nhu cầu tăng vốn điều lệ của các ngân hàng phát sinh từ việc gia tăng tỷ lệ dự phòng rủi ro, mở rộng nguồn vốn trung và dài hạn, cũng như đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ, đặc biệt là cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR).
Theo ông Huân, hiện nợ xấu  ngân hàng đang có xu hướng hướng gia tăng, kể cả việc Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước được gia hạn đến hết năm nay. Do đó, vốn điều lệ đóng vai trò quan trọng như một "bộ đệm", cung cấp nguồn lực cần thiết cho các ngân hàng để ứng phó với thử thách và biến động trong môi trường kinh tế chưa ổn định, cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn để tiếp tục hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp và cá nhân.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 9, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 4,55%, gần bằng mức cuối năm 2023.
Ông Huân cho rằng việc trích lập dự phòng rủi ro bao nhiêu sẽ tuỳ “sức khỏe” của mỗi ngân hàng, chính vì vậy, tỷ lệ bao phủ nợ xấu giữa các ngân hàng cũng có sự khác biệt. Ngân hàng nào hoạt động hiệu quả, có kết quả kinh doanh tốt sẽ trích lập dự phòng cao và họ coi đây như “của để dành”, đảm bảo hoạt động ổn định trong dài hạn.
Một số ngân hàng có lợi nhuận không cao, dù muốn cũng không thể trích lập nhiều mà chỉ trích đủ nên tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức khiêm tốn. Với "bộ đệm" dự phòng mỏng, các ngân hàng này sẽ gặp khó khăn hơn khi phải xử lý các khoản vay tiềm ẩn rủi ro chuyển thành nợ xấu.