Kho dự trữ dầu ngầm 'khủng' nhất Trung Quốc: Thể tích 3 triệu m3, công nhân đào thủ công, 50 năm vẫn chạy tốt mà không cần bảo trì
Công tác xây dựng hầm dự trữ dầu dưới lòng đất lớn nhất Trung Quốc vừa được bắt đầu ở tỉnh Chiết Giang vào hôm 9/12 vừa qua, theo CGTN đưa tin.
Dự án được Trung Quốc kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu trữ, xử lý và luân chuyển nhanh chóng dầu thô nhập khẩu sau khi hoàn thành và đảm bảo nguồn cung cấp dầu khí ổn định trong nước.
Tọa lạc tại thành phố Ninh Ba, công trình  được thiết kế và phát triển độc lập bởi Tập đoàn Dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC). Dự án bao gồm các hầm chứa dầu thô  dưới lòng đất có tổng diện tích khoảng 3 triệu m3 và cơ sở trên mặt đất để hỗ trợ vận hành và vận chuyển.
Các công nhân sẽ đào thủ công các hang động trong khối đá để lưu trữ dầu thô và sử dụng áp suất mực nước ngầm ổn định để tạo thành lớp chống thấm, đảm bảo khả năng lưu trữ lớn, độ an toàn cao và thất thoát thấp.
Wu Guanzeng, tổng giám đốc của CNOOC nói rằng bằng cách áp dụng các công nghệ cốt lõi như thử nghiệm trữ nước ở điều kiện đầy đủ, các hầm chứa dầu thô dưới lòng đất có thể hoạt động trong 50 năm mà không cần bảo trì.
Theo ông Liu Daping, Chủ tịch Công ty Xuất nhập khẩu Hóa dầu CNOOC, dự kiến việc xây dựng sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối năm 2026.
Công trình có khả năng sẽ cung cấp nguồn cung cấp dầu thô ổn định cho miền đông Trung Quốc và dọc theo sông Dương Tử, điều này có ý nghĩa to lớn trong việc thúc đẩy cân bằng giữa cung và cầu dầu mỏ địa phương, ứng phó với các trường hợp khẩn cấp về năng lượng lớn và làm phong phú thêm hoạt động chuyển đổi kỹ thuật số của ngành công nghiệp năng lượng.
An toàn với mức chi phí thấp
Hiện nay, trữ lượng dầu thương mại của Trung Quốc chủ yếu bao gồm các bể chứa trên mặt đất và các hang động kín nước ngầm.
So với bể chứa ở bên trên, bể chứa dưới lòng đất  được xây dựng ở độ sâu nhất định dưới lòng đất với chi phí xây dựng giảm khoảng 20% và chi phí vận hành còn khoảng 50%.
Hầm này còn vượt trội trong việc bảo vệ môi trường, tiết kiệm được khoảng 63,3ha đất, đồng thời giải quyết được vấn đề thất thoát dầu do bay hơi.
Hiện đã có hơn 200 hang động kín nước ngầm tương tự được xây dựng trên khắp thế giới.
Theo CGTN, dự án sẽ mở ra một con đường mới để thúc đẩy trữ lượng dầu thương mại của Trung Quốc và đảm bảo sự phát triển bền vững, nhanh chóng và phối hợp của nền kinh tế nước này.
>> Dự án điện gió trên đất liền lớn nhất Trung Quốc: Nằm giữa sa mạc, công suất 3 triệu kW