Vĩ mô

Khối DNNN lỗ 115.270 tỷ đồng, 2 'ông lớn' âm vốn chủ sở hữu

Lương Bằng 09/10/2024 - 06:54

Báo cáo cho thấy trong số 671 doanh nghiệp nhà nước (DNNN), vẫn có hàng trăm doanh nghiệp thua lỗ. Khối doanh nghiệp này cũng đang gánh số nợ hơn 2 triệu tỷ đồng.

Chính phủ vừa gửi Quốc hội báo cáo hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2023.

Tại báo cáo này, Chính phủ đã báo cáo tổng hợp tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2023 của 671 doanh nghiệp Nhà nước (473 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) tại thời điểm 31/12/2023. Số doanh nghiệp này nắm giữ tổng tài sản lên đến gần 3,9 triệu tỷ đồng.

Kết quả cho thấy, lãi phát sinh trước thuế năm 2023 đạt 211.198 tỷ đồng, giảm 13% so với năm 2022.

Các doanh nghiệp này có số nợ phải trả là hơn 2 triệu tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm 2023. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm 57% tổng số nợ phải trả của các doanh nghiệp Nhà nước.

Báo cáo cho thấy hàng trăm doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ. Cụ thể, vẫn có 72/671 (chiếm 11% tổng số doanh nghiệp Nhà nước) có lỗ phát sinh trong năm với tổng số lỗ phát sinh là 33.703 tỷ đồng.

Ngoài ra, có 134/671 (chiếm 20% tổng số doanh nghiệp Nhà nước) còn lỗ lũy kế, với tổng số lỗ lũy kế là 115.270 tỷ đồng.

“Soi” tình hình hoạt động của 78 tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, với tổng tài sản lên đến 2,87 triệu tỷ đồng, báo cáo của Chính phủ ghi nhận: Lãi phát sinh trước thuế của các doanh nghiệp là hơn 153 nghìn tỷ đồng. Các doanh nghiệp có lãi phát sinh trước thuế đạt cao trên 5.000 tỷ đồng chủ yếu ở những doanh nghiệp quy mô lớn.

Tuy nhiên, vẫn có 18 tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con còn lỗ lũy kế là 60.394 tỷ đồng và 8 công ty mẹ còn lỗ lũy kế là 54.341 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, số lỗ phát sinh theo báo cáo hợp nhất của 5 tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con là 26.958 tỷ đồng; lỗ phát sinh theo báo cáo của 3 công ty mẹ là 23.533 tỷ đồng.

“Có 8/78 công ty mẹ được xác định là không bảo toàn được vốn chủ sở hữu (sau khi trích lập các khoản dự phòng theo quy định, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp bị lỗ, bao gồm trường hợp còn lỗ lũy kế).

Tổng các khoản phát sinh phải nộp ngân sách Nhà nước đạt 250.781 tỷ đồng, giảm 7% so với năm 2022.

Những doanh nghiệp có số thuế và các khoản phát sinh phải nộp ngân sách Nhà nước lớn như: PVN (87.751 tỷ đồng); Viettel (37.764 tỷ đồng); Vinacomin (24.744 tỷ đồng); EVN (23.467 tỷ đồng); Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (16.949 tỷ đồng)...

Trong khi đó, số liệu 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ cho thấy có 2 công ty mẹ đang âm vốn chủ sở hữu gồm: Công ty mẹ - Tổng công ty Cơ khí xây dựng; Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không Việt Nam.

Trong số 198 doanh nghiệp thuộc diện này, có 31/198 doanh nghiệp (chiếm 15,6%) với tổng số lỗ phát sinh là 6.610 tỷ đồng. Riêng Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không Việt Nam có lỗ phát sinh với giá trị là 4.789 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn tới 45/198 doanh nghiệp (chiếm 23%) với tổng số lỗ lũy kế là 52.766 tỷ đồng. Tính riêng công ty mẹ, có 3 công ty mẹ có lỗ lũy kế với giá trị là 35.471 tỷ đồng.

Thủ tướng: Hoàn thiện thêm một bước đề án về sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ

Đẩy mạnh thực hiện giải pháp phòng, chống lãng phí trong ngành Xây dựng

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/khoi-dnnn-lo-115-270-ty-dong-vna-va-coma-am-von-chu-so-huu-2330079.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Khối DNNN lỗ 115.270 tỷ đồng, 2 'ông lớn' âm vốn chủ sở hữu
    POWERED BY ONECMS & INTECH