Khối ngoại rút vốn ồ ạt, chuyên gia dự báo thời điểm trở lại mua ròng trên TTCK
Các chuyên gia nhấn mạnh rằng với động thái phân bổ vốn của nhà đầu tư nước ngoài, thị trường chứng khoán Việt Nam đang chịu thiệt đơn, thiệt kép trong bối cảnh tỷ giá USD tăng và lãi suất duy trì ở mức thấp.
Hơn 90.000 tỷ đồng đã được nhà đầu tư nước ngoài rút ròng khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2024 |
Ngày 19/12, trong buổi livestream do CTCP Chứng khoán DNSE  tổ chức, các chuyên gia tài chính đã thảo luận về tác động của việc Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng và triển vọng dòng vốn ngoại đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Các chuyên gia đều cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài có khả năng quay trở lại thị trường Việt Nam, song thời điểm cụ thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố vĩ mô và xu hướng toàn cầu.
Ông Nguyễn Tuấn Anh - nhà sáng lập FinPeace, nhận định việc Tổng thống Trump nhậm chức có thể tạo ra một kịch bản tương tự giai đoạn 2017, khi dòng vốn ngoại quay lại mạnh mẽ. Tuy nhiên, điều này không chỉ phụ thuộc vào chính sách của Mỹ mà còn vào cách Việt Nam tận dụng cơ hội trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông Tuấn Anh nhấn mạnh, sự cân bằng giữa hai nền kinh tế lớn này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút dòng vốn ngoại vào Việt Nam.
Ông Hồ Sỹ Hòa - Giám đốc Tư vấn & Nghiên cứu đầu tư DNSE, đưa ra ba yếu tố quan trọng có thể giúp khối ngoại quay lại thị trường Việt Nam:
- Định giá hấp dẫn: Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang ở vùng định giá hợp lý, tạo cơ hội đầu tư dài hạn cho nhà đầu tư nước ngoài;
- Tăng trưởng doanh nghiệp: Các doanh nghiệp niêm yết vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ổn định, bất chấp những thách thức vĩ mô;
- Nâng hạng thị trường: Tiến trình nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi sẽ là động lực mạnh mẽ thu hút dòng vốn quốc tế.
Theo ông Trần Ngọc Báu - nhà sáng lập WiGroup, việc rút vốn không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn là xu hướng chung tại các thị trường mới nổi. Lãi suất cao và USD mạnh khiến thị trường Mỹ trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư quốc tế.
"Qua cái nhìn tổng thể, dòng tiền đầu tư vào cổ phiếu trên sàn cũng là một dòng tiền quan trọng, nhưng tác động của dòng tiền này đến thị trường nội địa không phải là quá lớn.
Ví dụ, một năm họ bán ròng khoảng 5 tỷ USD - con số được coi là lớn trong lịch sử bán ròng trên sàn. Tuy nhiên, thực tế, số tiền này không hề lớn khi đặt trong bối cảnh tổng dòng tiền nước ngoài đổ vào Việt Nam. Lấy ví dụ, dòng vốn FDI có thể đạt tới vài chục tỷ USD hoặc lượng tiền gửi từ nước ngoài về Việt Nam cũng dao động ở mức tương tự.
Điều này cho thấy, những áp lực mà chúng ta cảm thấy “ngộp thở” trong 2-3 năm qua không phải chỉ vì khối ngoại bán ròng trên sàn mà bởi họ rút tiền khỏi nhiều mặt trận khác. Nguyên nhân là, gửi tiền tại Việt Nam có lãi suất thấp hơn nhưng rủi ro tỷ giá lại cao hơn. Do đó, việc rút tiền ra là một câu chuyện hết sức bình thường", ông Báu dẫn giải.
Vị chuyên gia cho rằng, chỉ khi thị trường Mỹ bớt hấp dẫn, dòng tiền quốc tế mới có thể dịch chuyển lại Việt Nam. Dự đoán nửa đầu năm 2025, nhà đầu tư nước ngoài sẽ khó quay lại do các yếu tố như lãi suất và tỷ giá chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuy nhiên, nửa cuối năm 2025 có thể mang lại cơ hội khi những áp lực này giảm bớt.
Liệu ông Trump có tạo ra sự khác biệt?
Việc ông Trump trở lại Nhà Trắng được kỳ vọng mang đến những tác động tích cực đối với Việt Nam, dựa trên thiện cảm và mối quan hệ hợp tác từ nhiệm kỳ trước. Tuy nhiên, bối cảnh hiện tại và năm 2017 không hoàn toàn đồng nhất. Lãi suất cao và cấu trúc dòng tiền toàn cầu khiến việc thu hút vốn ngoại trở nên khó khăn hơn so với trước đây.
Mặc dù vậy, các chuyên gia vẫn tin rằng chính sách thương mại của ông Trump có thể tạo ra cơ hội nhất định cho Việt Nam, đặc biệt trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và mở rộng xuất khẩu. Điều này sẽ gián tiếp hỗ trợ dòng vốn ngoại quay lại thị trường chứng khoán trong dài hạn.
Nửa cuối năm 2025, các yếu tố như định giá hợp lý, tiến trình nâng hạng thị trường và sự ổn định kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Nếu USD yếu đi và lãi suất tại Mỹ giảm, dòng vốn quốc tế có thể quay lại các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Ngoài ra, những cải cách như việc tăng tính minh bạch, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp và cải thiện khung pháp lý cũng sẽ là nhân tố quan trọng giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn hơn đối với dòng vốn ngoại.
>> Góc chuyên gia: Cổ phiếu FPT khó bứt phá, hai nhóm ngành được kỳ vọng năm 2025 
Khối ngoại tiếp tục phân phối cổ phiếu, dòng tiền nội còn đủ sức hấp thụ? 
Thị trường M&A năm 2025: Khối ngoại sẽ quay trở lại?