Không chủ quan với lạm phát
Dù lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng không thể chủ quan, lơ là trong điều hành; cần kịp thời thông tin, tuyên truyền, công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng.
Thuận lợi, thách thức đan xen
Nền Kinh tế Việt Nam năm 2024 đã đi qua 1/2 chặng đường. Về lạm phát, theo công bố vừa qua của Tổng cục Thống kê cho thấy, CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 4,08% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân 6 tháng đầu năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,75% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,08%), chủ yếu do giá lương thực, điện, dịch vụ giáo dục và dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát  cơ bản.
6 tháng đầu năm, lạm phát vẫn đang nằm trong vùng mục tiêu mà Quốc hội đề ra. Đây là mức lạm phát phù hợp để hỗ trợ cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Dư địa điều hành lạm phát cả năm so với mục tiêu quốc hội đề ra không hề hẹp và đây cũng là cơ hội để điều hành giá các hàng hoá, dịch vụ do nhà nước quản lý trong 6 tháng còn lại.
Tuy nhiên, không thể chủ quan do vẫn còn nhiều biến số khó lường gây áp lực lên lạm phát. Dự báo từ nay đến cuối năm vẫn còn nhiều yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá, khi giá các nhóm mặt hàng nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, như giá xăng dầu dự báo tiếp tục diễn biến khó lường. Trong đó, giá lương thực, thực phẩm toàn cầu từ tháng 3 đến nay tăng liên tục sau 7 tháng giảm liên tiếp. Giá dầu Brent trung bình 6 tháng cuối năm dự báo trong khoảng 80 - 90 USD/thùng.
Ngoài ra, lo ngại, giá dịch vụ vận chuyển hàng hoá bằng đường biển và phụ thu đối với hàng hóa container tại cảng biển đang tăng mạnh gây áp lực đến chi phí của doanh nghiệp. Việc thực hiện lộ trình giá thị trường, tính đúng tính đủ chi phí trong giá các hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá tiếp tục là vấn đề cần xem xét thực hiện trong năm 2024 - đây cũng là yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá…
Trong nước, những diễn biến khó lường của tình hình thế giới và khu vực tạo ra nhiều khó khăn, thách thức đối với kinh tế trong nước, cộng hưởng với những vấn đề nội tại của nền kinh tế chưa được xử lý triệt để, nên sẽ tác động tới lạm phát. Lạm phát có thể tiếp tục tăng do biến động nguồn cung, giá cả thế giới; do dự kiến điều chỉnh giá điện, dịch vụ giáo dục, y tế, thực hiện chính sách cải cách tiền lương… Chưa kể, còn do nhu cầu sử dụng điện, vận tải hành khách… trong nước tăng khi vào mùa cao điểm nắng nóng và du lịch hè, mà hiện đang là mùa cao điểm. Tỷ giá dự báo tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh do sức ép từ bên ngoài. Tâm lý thị trường do kỳ vọng lạm phát, tỷ giá tăng là vấn đề cần quan tâm, nhất là liên quan đến việc điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tăng giá hàng hóa, dịch vụ…
Do đó, lạm phát là vấn đề cần đặc biệt lưu ý, theo dõi sát để có giải pháp điều hành giá chặt chẽ, thận trọng, phù hợp, kịp thời.
Dư địa mở rộng chính sách tài khóa thuận lợi
Để kiểm soát lạm phát nhằm hỗ trợ và thúc đẩy tăng trường kinh tế năm 2024, công tác điều hành chính sách cần ưu tiên chú trọng đảm bảo ổn định vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế. Theo dõi sát diễn biến thị trường từng mặt hàng, đặc biệt là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Chủ động rà soát các phương án điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lí, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường; đánh giá kĩ tác động đối với mặt bằng giá, mục tiêu kiểm soát lạm phát để có phương án điều chỉnh giá phù hợp. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tổng hợp, phân tích, dự báo, xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó trong trường hợp các hàng hóa trên thị trường thế giới tiếp tục tăng cao để điều hành sản xuất trong nước, cân đối và điều hành cung - cầu, góp phần giữ ổn định giá cả thị trường.
Dư địa mở rộng chính sách tài khóa hiện nay nhìn chung khá thuận lợi, vì vậy, cần tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lí, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo khả năng huy động đủ vốn đáp ứng nhu cầu thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả, đảm bảo cân đối ngân sách Nhà nước. Song song với đó, tiếp tục xem xét, rà soát các chính sách thuế, phí, lệ phí và có chính sách hỗ trợ phù hợp giúp người dân, doanh nghiệp tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm.
Thực tế, hiện chính sách tiền tệ của Việt Nam đang gặp thách thức trong xử lí mối quan hệ giữa chính sách lãi suất - chính sách tỉ giá hối đoái - dòng vốn nước ngoài. Do đó, chính sách tiền tệ cần tiếp tục thực hiện linh hoạt trong điều hành lãi suất, tỉ giá để thích ứng các tác động của bất ổn thế giới. Đối với điều hành chính sách tín dụng cũng cần thận trọng, đảm bảo cân bằng hợp lí giữa thúc đẩy phục hồi kinh tế và đảm bảo ổn định tài chính. Để giảm bớt sức ép cho hệ thống ngân hàng, cần phát triển thị trường chứng khoán bền vững, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế.
Cần xác định hợp lí các liều lượng và công cụ trong phối hợp điều hành chính sách. Chính sách tài khóa thường ngay lập tức làm thay đổi tổng cầu, theo đó tác động đến thu nhập và sản lượng nhanh hơn chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, độ trễ về hiệu quả triển khai chính sách tài khóa lại thường kéo dài hơn so với chính sách tiền tệ.
Thêm vào đó, chính sách tài khóa là chính sách cứng, do được thực hiện theo kế hoạch của Quốc hội phê chuẩn, còn chính sách tiền tệ là chính sách linh hoạt; nếu tận dụng tốt những đặc tính này, có thể tạo ra sự tương tác hiệu quả hơn. Việc quyết định lựa chọn chính sách tiền tệ hay chính sách tài khóa để làm công cụ tác động nhiều nhất đến tổng cầu hoặc liều lượng tác động của từng công cụ đến tổng cầu bao nhiêu là hợp lí trong tình hình kinh tế cụ thể cần dựa trên những luận cứ khoa học và thực tiễn.
>> Áp lực lạm phát đang lớn dần: Kiểm soát đà tăng giá hàng hoá dịch vụ thế nào? 
WSJ: Lạm phát sẽ tăng vọt dưới thời ông Trump 
Giá kim loại đồng ngày 12/7: ổn định trước dữ liệu lạm phát của Trung Quốc