Không phải BRICS, những lời đe dọa của ông Trump mới là thứ làm suy yếu vị thế của đồng USD?
Chuyên gia cho rằng ông Trump không nên lo lắng về loại tiền tệ mới, mà thay vào đó nên quan tâm nhiều hơn đến các quốc gia tiến hành giao dịch bằng đồng tiền riêng của họ.
Ít có nhà lãnh đạo nào có thể tấn công những mục tiêu tưởng tượng với phong thái như Donald Trump. Điều này một lần nữa được chứng minh khi ông yêu cầu các quốc gia BRICS "cam kết" rằng sẽ không tạo ra đồng tiền chung mới và không hỗ trợ bất kỳ đồng tiền nào thay thế đồng USD. Không ngoài dự đoán, yêu cầu này đi kèm với sự đe dọa tăng thuế quan.
Một số thành viên nhóm BRICS đã nhanh chóng xoa dịu ông Trump. Nam Phi tuyên bố chính thức không có kế hoạch tạo đồng tiền chung, và Ngoại trưởng Ấn Độ khẳng định các quốc gia BRICS không có ý định làm suy yếu đồng USD.
Tuy nhiên, những nỗ lực làm rõ quan điểm với Trump lại vô tình làm nổi bật điều mà ông thực sự cần phải lo ngại. Các quan chức Nam Phi chỉ ra rằng BRICS chỉ muốn thực hiện giao dịch nội bộ bằng các đồng tiền của các quốc gia thành viên. Ngoại trưởng Jaishankar mô tả đây là biện pháp hợp pháp để giảm thiểu rủi ro.
Điều này có thể không khả thi ngay lúc này, và thực tế là có thể sẽ không bao giờ khả thi. Thương mại quốc tế, ngay cả giữa khoảng 10 quốc gia trong nhóm BRICS, rất phức tạp.
Nhưng thực tế cho thấy các quốc gia BRICS, và những quốc gia tương tự, sẽ tiếp tục tìm cách thanh toán quốc tế mà không cần dùng đến USD. Mục đích của họ không phải là gây tổn hại nền kinh tế Mỹ hay thách thức sự thống trị của đồng USD, mà là tạo ra một phần hệ thống tài chính độc lập  khỏi sự chi phối của Mỹ.
Các quốc gia như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã tìm kiếm giải pháp này ít nhất một thập kỷ qua. Động lực này trở nên cấp thiết hơn trong bối cảnh gia tăng các cuộc chiến thương mại và sự phân cực địa chính trị.
New Delhi chưa bao giờ nhiệt tình với nỗ lực này như các quốc gia khác. Nhưng bối cảnh thay đổi đang buộc họ phải thay đổi.
Một quan chức gần đây đã nói rằng, trong vài năm qua, Ấn Độ đã ngừng nhập khẩu dầu từ một trong những đối tác thương mại lớn nhất, Venezuela, vì các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Venezuela bị thay thế bởi Iran, quốc gia cũng sớm gặp phải những vấn đề tương tự; và giờ đây Ấn Độ phải tìm cách quản lý thương mại với Nga. Động lực để thiết lập các cơ chế thanh toán không chịu sự giám sát của Mỹ là điều rõ ràng ngay cả đối với những quan chức thân phương Tây nhất ở Delhi.
Thương mại quốc tế phức tạp khiến việc thay thế đồng USD khó khăn, nhưng điều này lại càng làm tăng nhu cầu tìm kiếm các giải pháp thay thế. Số lượng hàng hóa hai mục đích và các tập đoàn tài chính chịu lệnh trừng phạt của Mỹ đang tăng nhanh. Ngay cả những tổ chức chủ yếu được phương Tây hỗ trợ, như Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, cũng đã triển khai các dự án nhằm giảm phụ thuộc vào đồng USD.
Sẽ không có nỗ lực nào như vậy nếu như phần còn lại của thế giới coi đồng USD là một tài sản chung. Các quốc gia có thể giao dịch, đầu tư và chuyển đổi tự do với nó. Đổi lại, Mỹ có được "đặc quyền quá mức" khi kiểm soát đồng tiền dự trữ của thế giới. Điều này đã cho phép các chính trị gia chấp nhận các khoản thâm hụt ở đủ loại hình thức mà các cường quốc nhỏ hơn sẽ không thể chấp nhận.
Chuyên gia cho rằng, nếu ông Trump thực sự muốn duy trì sự thống trị của đồng USD, ông cần nhận ra rằng giá trị của đồng tiền này không phụ thuộc vào quyền lực và đe dọa, mà vào sự tin cậy của Mỹ.
Các biện pháp trừng phạt thái quá, thuế quan đơn phương hay xung đột địa chính trị, thậm chí can thiệp vào các quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mới chính là mối đe dọa hơn nhiều đối với đồng tiền Mỹ so với bất kỳ kế hoạch nào mà các quốc gia BRICS  có thể nghĩ ra.