Không phải HPG, NKG hay HSG, 'hoa hậu' dòng thép đang gọi tên một công ty của Bộ Công Thương
Công ty thép của Bộ Công Thương đã tăng gần 100% thị giá chỉ sau 2 tháng, bỏ xa các ông lớn đầu ngành như HPG, HSG, NKG dù kết quả kinh doanh không mấy khả quan.
Phiên giao dịch ngày 4/7, cổ phiếu TVN  của Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel) tiếp tục tăng trần từ sớm, mức tăng 14,29% lên 10.400 đồng/cp. Kết thúc phiên sáng, cổ phiếu này khớp lệnh được 2,5 triệu đơn vị và vẫn dư mua khoảng 1 triệu đơn vị ở giá cao nhất.
VNSteel đã có 1 phiên tăng kịch biên độ trước đó, giúp thị giá tăng gần 25% chỉ sau 2 phiên. Đáng chú ý, diễn biến tích cực của TVN không chỉ xảy ra thời gian gần đây mà bắt đầu từ đầu tháng 5. Khi ấy, TVN chỉ giao dịch quanh 5.500 đồng/cp, đến hiện tại đã lên khoảng 85%, thuộc nhóm dẫn đầu ngành thép, bỏ xa nhiều ông lớn khác.
Cùng thời điểm, 3 doanh nghiệp đầu ngành gồm: Hòa Phát (HPG ) tăng 11,3%; Nam Kim (NKG ) tăng 13,2%; Hoa Sen (HSG ) tăng 28,4%.
Cổ phiếu TVN tăng nóng trong 2 tháng gần đây |
VNSteel đang kinh doanh ra sao?
VNSteel là công ty Nhà nước, được thành lập vào năm 1994 và được cổ phần hóa vào năm 2011. Hiện nay, cổ đông lớn nhất của VNSteel là Bộ Công Thương, chiếm 93,93% vốn điều lệ.
Năm 2023, doanh nghiệp ghi nhận 30.459 tỷ đồng doanh thu và lỗ trước thuế 252 tỷ đồng, chủ yếu lỗ từ các khoản đầu tư. Cụ thể, VNSteel sở hữu 14 công ty con và 17 công ty liên kết, nhóm này ghi nhận tổng lỗ 1.184 tỷ đồng. Doanh nghiệp muốn thoái vốn khỏi nhiều khoản đầu tư trên nhưng chưa có đơn vị nào quan tâm.
Trong khi đó, năm 2023, Hòa Phát lãi ròng 6.800 tỷ đồng, Hoa Sen lãi ròng 814 tỷ đồng, Nam Kim lãi ròng 117 tỷ đồng.
Năm 2024, VNSteel đặt kế hoạch doanh thu 31.500 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 120 tỷ đồng. Sau 3 tháng đầu năm, công ty mang về 7.513,5 tỷ đồng doanh thu và 52,9 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt hoàn thành 23,9% và 44,1% kế hoạch năm.
Nguồn: Tổng hợp |
Tại thời điểm ngày 31/3, quy mô tài sản của VNSteel là 25.246 tỷ đồng, chủ yếu nằm ở 3 khoản lớn gồm: phải thu ngắn hạn 3.301,3 tỷ đồng (chiếm 13,1%), trong đó nợ khó đòi là 594,6 tỷ đồng; hàng tồn kho 5.425,1 tỷ đồng (chiếm 21,5%); dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên - Giai đoạn 2 là 6.691 tỷ đồng (chiếm 26,5%) đã triển khai nhiều năm và gặp vướng mắc, riêng tiền lãi phát sinh lên đến 3.466,3 tỷ đồng.
Số tài sản trên được hình thành từ 9.620,9 tỷ đồng vốn chủ sở hữu và 15.985,1 tỷ đồng nợ phải trả (trong đó, nợ vay là 8.551,9 tỷ đồng).
Dự án Gang thép Thái Nguyên từ năm 2007 đang chôn nhiều nghìn tỷ đồng tiền vốn của VNSteel |
Ở diễn biến có liên quan, Bộ Công Thương gần đây phát thông báo điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Điều này hỗ trợ tích cực cho cổ phiếu thép khi nhóm này được kỳ vọng hưởng lợi tích cực trong thời gian tới.
Sáng 15/6 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chủ trì Hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng.
Tại Hội nghị, nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh ngành vật liệu xây dựng như: đẩy mạnh đầu tư công; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao và tái cơ cấu về quản trị, tài chính, đầu tư... đã được nêu ra. Đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định, các ngân hàng luôn sẵn sàng cho vay khi các doanh nghiệp có nhu cầu về vốn với các dự án khả thi. Bộ Tài chính ủng hộ việc tăng thuế nhập khẩu thép để bảo vệ nền sản xuất trong nước.
>> 'Giật mình' với dự báo lợi nhuận quý II của Hòa Phát (HPG) và Hoa Sen (HSG), tăng trưởng tới 1.800%