Trái ngược với mức tăng bằng lần của thép cuộn cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc trong tháng 4/2024, sản lượng sản xuất và tiêu thụ HRC của các công ty trong nước sụt giảm mạnh.
Trong khi Hòa Phát (HPG ) và Formosa vẫn đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ vụ khởi xướng điều tra chống bán phá giá với mặt hàng thép cuộn cán nóng (HRC) từ Trung Quốc thì thời gian qua, sản lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam tiếp tục tăng phi mã.
Theo số liệu mới nhất từ cơ quan hải quan, tháng 4/2024, HRC nhập khẩu vào Việt Nam đạt mức 890.000 tấn, gấp 1,5 lần lượng sản xuất nội địa. Trong đó, HRC nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 71%.
Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, tổng lượng HRC nhập khẩu về Việt Nam là 3,93 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2023 và bằng 159% lượng sản xuất của toàn ngành sản xuất HRC trong nước. Trong đó, lượng nhập từ Trung Quốc chiếm 73% với 2,9 triệu tấn, gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm 2023.
Trái ngược với mức tăng trưởng bằng lần của HRC nhập khẩu từ Trung Quốc, doanh nghiệp nội địa bị sụt giảm mạnh cả về sản xuất lẫn tiêu thụ HRC (Nguồn: VSA) |
Tháng 4/2024, doanh nghiệp trong nước sản xuất HRC ước đạt 395.928 tấn, giảm 33% so với tháng 3/2024 và giảm 38% so với tháng 4/2023. Bán hàng ước đạt 491.796 tấn, giảm 15,3% so với tháng trước và giảm 16,3% so với cùng kỳ.
Tính chung 4 tháng đầu năm, sản xuất HRC trong nước đạt 2,26 triệu tấn, xấp xỉ mức cùng kỳ năm 2023. Bán hàng HRC đạt 2,24 triệu tấn, tăng 8,2% so với 4 tháng năm 2023. Trong đó, xuất khẩu đạt 892.000 tấn, tương đương cùng kỳ.
Cạnh tranh về giá
Nguồn: VSA |
Theo chia sẻ của một doanh nghiệp sản xuất thép tại Việt Nam, giá bán HRC tháng 4 (giao hàng tháng 6) tại thị trường nội địa khoảng 550 USD/tấn; giá chào tháng 5 (giao hàng tháng 7) khoảng 570 USD/tấn. Trong khi đó, giá thép HRC nhập khẩu của Trung Quốc vào Việt Nam thường thấp hơn giá HRC trong nước khoảng 20 USD/tấn.
Ngoài ra, giá HRC nhập từ Trung Quốc cũng thấp hơn nhập từ các quốc gia khác từ 32 - 59 USD/tấn và đặc biệt thấp hơn đến 123 USD/tấn với giá HRC nhập từ Hàn Quốc.
Việc đẩy mạnh xuất khẩu thép giá rẻ của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh nhu cầu nội địa của quốc gia này suy yếu bởi bất động sản, cơ sở hạ tầng và sản xuất trong nước trì trệ.
Tại Việt Nam, Hòa Phát và Formosa đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá với sản phẩm HRC nhập từ Trung Quốc.
Các nước trên thế giới cũng đang có biện pháp bảo vệ nền sản xuất trong nước như: Thái Lan và Ủy ban Châu Âu (EC) đã bắt đầu điều tra áp dụng thuế chống bán phá giá đối với thép cuộn nhập khẩu từ Trung Quốc; Mỹ vừa áp mức thuế mới có một số mặt hàng là thép và nhôm từ Trung Quốc lên hơn 3 lần, từ 7,5% của hiện tại lên 25%.
>> Vụ Hòa Phát và Formosa ‘tuyên chiến’ thép Trung Quốc, Phó Thủ tướng có chỉ đạo liên quan