Khu công nghiệp lớn nhất tỉnh Bình Định sắp có dự án sản xuất Hydrogen xanh, sản lượng lên tới 180.000 tấn/năm
Dự án dự kiến triển khai giai đoạn 1 từ năm 2026-2030 với công suất thí điểm 50MW, mở rộng lên 450-500MW và giai đoạn 2 từ năm 2030-2035, đạt công suất 2.000MW.
Mới đây, UBND tỉnh Bình Định đã gửi báo cáo đến Bộ Công Thương về tiến độ triển khai Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040.
Theo nội dung báo cáo, tỉnh Bình Định đang xúc tiến các thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với Khu công nghiệp  Phù Mỹ - khu công nghiệp có quy mô lớn nhất địa phương với diện tích khoảng 820ha.
Khu công nghiệp này được định hướng phát triển theo mô hình hiện đại, tập trung vào các phân khu chuyên ngành lĩnh vực hóa chất, bao gồm các dự án như Hydrogen xanh, Amoniac xanh…
Trong báo cáo, UBND tỉnh cũng đề cập đến Dự án sản xuất Hydrogen xanh tại Khu công nghiệp Phù Mỹ do CTCP Tập đoàn Đầu tư Phù Mỹ làm chủ đầu tư.
Dự án dự kiến triển khai giai đoạn 1 từ năm 2026-2030 với công suất thí điểm 50MW, mở rộng lên 450-500MW và giai đoạn 2 từ năm 2030-2035, đạt công suất 2.000MW. Sản lượng Hydrogen xanh ước tính đạt 20.000 tấn/năm trong giai đoạn 1 và tăng lên 160.000 tấn/năm ở giai đoạn 2.
Công nghệ và thiết bị phục vụ sản xuất Hydrogen xanh được kỳ vọng sẽ đến từ các nhà cung cấp uy tín như Siemens Energy (G7). Tuy nhiên, dự án hiện đang đối mặt với nhiều thách thức như chi phí đầu tư bộ điện phân và điện gió ngoài khơi cao, chưa làm chủ hoàn toàn công nghệ, giá thành sản xuất Hydrogen xanh khó cạnh tranh và nhu cầu đầu ra trong nước chưa ổn định do thiết bị sử dụng Hydrogen xanh còn chưa phổ biến. Ngoài ra, dự án cũng cần nguồn vốn đầu tư rất lớn.
>> Kim Oanh Group: Lương tháng 13, quà Tết và lời hứa về năm 2025 
Trước những khó khăn trên, UBND tỉnh Bình Định đã kiến nghị cần có cơ chế ưu đãi, hỗ trợ để thúc đẩy triển khai dự án, đồng thời đề xuất các chính sách thu hút vốn đầu tư hiệu quả hơn.
Được biết, Chủ đầu tư dự án là CTCP Tập đoàn Đầu tư Phù Mỹ có vốn điều lệ 1.425 tỷ đồng với ba cổ đông chính: CTCP Tập đoàn Mandala nắm 65% vốn, CTCP Tư vấn Đầu tư Hướng Việt nắm 20%, và CTCP Đầu tư Cảng biển Việt Nam nắm 15%. Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của công ty là ông Trần Như Long (sinh năm 1979).
Đáng chú ý, CTCP Tập đoàn Mandala được thành lập vào tháng 3/2024 với vốn điều lệ ban đầu 395 tỷ đồng, trong đó ông Dương Quang Can nắm giữ 99,8% vốn.
Đến tháng 8/2024, công ty đã tăng vốn lên 930 tỷ đồng nhưng không công bố cụ thể cơ cấu cổ đông. Hiện tại, ông Dương Quang Can cũng giữ vai trò Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của CTCP Phong điện Ia Pết Đak Đoa số Hai và CTCP Phát triển hạ tầng năng lượng và công nghệ cao.
Bình Định là tỉnh thuộc Duyên hải miền Trung. Tỉnh sở hữu đường bờ biển dài 134km và được đánh giá là một trong những bờ biển đẹp nhất Việt Nam. Với diện tích tự nhiên 6.025km2 và vùng lãnh hải rộng 36.000km2, tỉnh này ngày càng thu hút sự quan tâm đặc biệt từ các nhà đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản và phát triển đô thị.
Hơn 1.000 tỷ đồng mở rộng gấp rưỡi khu công nghiệp tại thành phố mới thứ 5 của Bình Dương 
Hà Nội sắp có tuyến đường dài 4km nối đường vành đai đến khu công nghiệp lớn của thành phố