Khu đô thị lấn biển tại lá phổi xanh của TP. HCM sẽ trở thành khu du lịch biển, du lịch nghỉ duỡng
Khu đô thị lấn biển này được phân chia thành 4 phân khu với các chức năng riêng biệt.
Ngày 24/1, UBND TP. HCM đã ban hành Quyết định phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ , huyện Cần Giờ. Khu vực quy hoạch thuộc xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, nằm trong phạm vi dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ với tổng diện tích 2.870ha, đã được phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000.
Khu đô thị lấn biển Cần Giờ được định hướng trở thành khu đô thị du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp, kết hợp M.I.C.E (hội thảo - hội nghị - nghỉ dưỡng), đô thị thông minh, dịch vụ công nghệ cao, nhà ở, khách sạn, và các dịch vụ khác. Quy mô dân số tối đa của dự án là 228.506 người với lượng khách du lịch dự kiến đạt khoảng 8,887 triệu lượt mỗi năm.
Khu đô thị  lấn biển Cần Giờ sẽ được phân chia thành 4 khu A, B, C và D.
Phân khu A (953,23ha): Khu ở sinh thái gắn với dịch vụ du lịch tại cửa ngõ của khu đô thị.
Phân khu B (659,87ha): Khu nhà ở, nghỉ dưỡng, các công trình công cộng như y tế, giáo dục, hành chính, thương mại, dịch vụ; đồng thời có hệ thống cây xanh đô thị và hạ tầng kỹ thuật hiện đại.
Phân khu C (318,32ha): Trung tâm tài chính, kinh tế, thương mại dịch vụ với khu nhà ở cao tầng, biệt thự, nhà ở liên kế, cùng hệ thống bến cảng hiện đại.
Phân khu D (480,46ha) và E (458,12ha): Khu nghỉ dưỡng cao cấp, nhà ở biệt thự, khu cây xanh, mặt nước và các không gian mở ven biển.
Mỗi phân khu được chia nhỏ thành các đơn vị chức năng để đảm bảo quy hoạch đồng bộ:
Phân khu A gồm 8 khu, bao gồm 4 đơn vị ở (A1, A3, A4, A6) và 4 khu chức năng (A2, A5, A7, A8).
Phân khu B gồm 4 đơn vị ở (B1-B4) với dân số dự kiến 75.000 người và 1 khu chức năng du lịch nghỉ dưỡng (B5).
Phân khu C gồm 6 đơn vị ở (C1-C6) với dân số tối đa 41.364 người, trong đó có khu nhà ở cao tầng lên đến 44 tầng, phục vụ khoảng 8.315 người.
Phân khu D có 4 đơn vị ở (D1, D3, D4, D5) và 2 khu chức năng (D2 - dịch vụ du lịch và E1 - cây xanh, mặt nước).
Về định hướng phát triển không gian và hạ tầng đô thị, khu vực trung tâm đô thị được thiết kế với các công trình kiến trúc nổi bật, không gian mở liên kết với cửa ngõ đô thị. Công trình biểu tượng như trung tâm hội nghị và nhà hát được kết hợp với công viên biển, tạo điểm nhấn kiến trúc và cảnh quan.
Các khu du lịch nghỉ dưỡng sẽ được tổ chức với hình thức thấp tầng, bao gồm biệt thự và khách sạn cao cấp. Khu ở được quy hoạch hoàn chỉnh với hệ thống công trình thương mại dịch vụ, công viên cây xanh, trường học, và các công trình công cộng cấp khu. Nhà ở bao gồm 3 loại hình chính: chung cư cao tầng, nhà ở liên kế, biệt thự và nhà ở xã hội.
Trong từng đơn vị ở, các không gian mở như công viên, vườn hoa, sân chơi được bố trí hài hòa, kết hợp với khu thể dục thể thao và các khu cây xanh đô thị. Các khu vực ven biển được quy hoạch để tạo hệ sinh thái công cộng đặc trưng khí hậu biển, đồng thời cải thiện vi khí hậu, giảm hiệu ứng nhà kính và hạn chế tác động của biến đổi khí hậu.
Hành lang cây xanh ven biển phía Nam được thiết kế như một không gian chuyển tiếp giữa mặt biển và đô thị, đồng thời đóng vai trò chắn gió bão từ biển, bảo vệ khu đô thị và nghỉ dưỡng bên trong.
Huyện Cần Giờ được xem là "lá phổi xanh" của TP.HCM do có rừng phòng hộ, hệ sinh thái rừng ngập mặn phong phú được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Cần Giờ rộng 71.300ha, với hơn 70.000 dân, nằm cách trung tâm TP.HCM khoảng 50km. Đây là địa phương duy nhất của thành phố giáp biển với chiều dài 23km, nhiều sông rạch, rừng ngập mặn và các điều kiện tự nhiên phát triển du lịch, đô thị nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế.
Theo quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn 2050, TP.HCM định hướng đưa Cần Giờ trở thành Thành phố nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực.