Khu thương mại tự do đầu tiên của Việt Nam sẽ bố trí tại 10 vị trí không liền kề
10 vị trí này sẽ được liên kết chặt chẽ với Cảng biển Liên Chiểu và Sân bay quốc tế Đà Nẵng nhằm tối ưu hóa lợi thế về logistics và vận tải quốc tế.
Theo tờ trình về đề án thành lập Khu thương mại tự do  Đà Nẵng do Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh ký gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khu thương mại dự kiến có quy mô khoảng 2.317ha khi hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng và đồng bộ các khu chức năng, trong đó khu vực lấn biển chiếm hơn 300ha.
Khu thương mại tự do được bố trí tại 10 vị trí không liền kề, được liên kết chặt chẽ với Cảng biển Liên Chiểu và Sân bay quốc tế Đà Nẵng nhằm tối ưu hóa lợi thế về logistics và vận tải quốc tế.
Các khu chức năng trong Khu thương mại tự do Đà Nẵng được chia thành 4 nhóm chính theo định hướng tại Nghị quyết số 136 của Chính phủ, bao gồm khu chức năng logistics (vị trí 1 và 9), khu chức năng logistics kết hợp sản xuất (vị trí 2 và 3), khu chức năng sản xuất (vị trí 4A và 4B) và khu chức năng thương mại - dịch vụ, kinh tế số, công nghệ thông tin và đổi mới sáng tạo (vị trí 5, 6, 7 và 8).
Đối với khu vực lấn biển và khu vực Cảng biển Liên Chiểu, UBND TP. Đà Nẵng đang triển khai nghiên cứu, đánh giá toàn diện nhằm xác định phương án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển phù hợp, đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện cần thiết trước khi đưa vào khai thác.
Ảnh minh họa |
Cũng theo tờ trình, Khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ được phát triển theo mô hình có hàng rào cứng với ranh giới không gian xác định rõ ràng và được áp dụng các chính sách ưu đãi cạnh tranh nhằm thu hút các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp trong nước có vai trò dẫn dắt trong các ngành công nghiệp ưu tiên.
Đây cũng là Khu thương mại tự do đầu tiên tại Việt Nam tích hợp đa chức năng, kết hợp giữa logistics cảng biển, sân bay với các hoạt động thương mại, dịch vụ, công nghiệp chế xuất và các chức năng phụ trợ khác, đồng thời vận hành theo cơ chế “khu trong khu” với các định hướng phát triển cụ thể gồm sản xuất, logistics, thương mại - dịch vụ, kinh tế số, công nghệ thông tin và đổi mới sáng tạo.
UBND TP. Đà Nẵng cũng đề xuất lộ trình đầu tư xây dựng và phát triển Khu thương mại tự do được chia làm hai giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 kéo dài đến năm 2029, tập trung vào kiện toàn bộ máy quản lý và hoàn thiện quy chế hoạt động trong năm 2025, xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách ưu đãi để đảm bảo việc quản lý và vận hành đồng bộ, công khai, minh bạch, đồng thời đơn giản hóa thủ tục hành chính.
>> Hà Nội sắp có trung tâm outlet đầu tiên, nằm cách sân bay lớn nhất miền Bắc khoảng 7km 
Ở giai đoạn này, thành phố sẽ tập trung xây dựng mới khu bến Liên Chiểu và các khu hậu cần cảng, đảm bảo năng lực tiếp nhận tàu 100.000 tấn hoặc lớn hơn, cùng với đó là hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng cho tất cả các vị trí (trừ khu vực lấn biển).
Cụ thể, các vị trí 3, 4A, 5, 6, 7 và 9 sẽ được hoàn thành giải phóng mặt bằng trước cuối năm 2026, trong khi các vị trí 1, 2, 4B và 8 dự kiến hoàn thành trước cuối năm 2027.
Đồng thời, UBND TP. Đà Nẵng sẽ lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược để triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng tại các khu chức năng ở các vị trí 3, 4, 5, 6, 7 và 9 trước cuối năm 2026, hoàn thành việc thu hút nhà đầu tư thứ cấp tại các khu vực này trước năm 2028.
Đối với các vị trí 1, 2 và 8, thành phố đặt mục tiêu lựa chọn nhà đầu tư chiến lược để đầu tư cơ sở hạ tầng trước cuối năm 2027, đồng thời cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước cuối năm 2029 và hoàn thành việc thu hút nhà đầu tư thứ cấp sau năm 2029.
Thành phố cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá chi tiết về khu vực lấn biển để làm rõ ranh giới và xác định chức năng phù hợp, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững và đồng bộ cho Khu thương mại tự do Đà Nẵng.
>> TP trực thuộc Trung ương thứ 6 của Việt Nam sắp có khu đô thị quy mô 20.000 người 
Việt Nam cần chi bao nhiêu để xây khu thương mại tư do đầu tiên? 
Đề nghị thành lập khu thương mại tự do tại đô thị sân bay đầu tiên của Việt Nam