Khu vực giữ vai trò chiến lược trong bức tranh quy hoạch đô thị của TP. HCM: Tương lai sẽ là "Silicon Valley" của Việt Nam
TP. Thủ Đức hiện đang được định hướng phát triển thành đô thị sáng tạo và tương tác cao, là cửa ngõ kết nối TP. HCM với các tỉnh thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
TP. Thủ Đức là "đô thị loại 1 nằm trong đô thị đặc biệt", có nhiệm vụ quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 1538/QĐ-TTg ngày 16/9/2021.
Theo đó, TP. Thủ Đức đóng vai trò là trung tâm đổi mới sáng tạo, dựa trên nền tảng là kinh tế tri thức, khoa học, công nghệ và hợp tác phát triển hạ tầng số của TP. HCM.
Trong tương lai, TP. Thủ Đức sẽ có trung tâm tài chính, trung tâm công nghệ cao, trung tâm giáo dục đại học, trung tâm triển lãm, nhà hát giao hưởng, quảng trường...
TP. Thủ Đức hiện đang tăng tốc đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ. Ảnh minh họa |
Nhờ sở hữu vị thế chiến lược trong việc phát triển đô thị và kinh tế của TP. HCM, TP. Thủ Đức đã và đang tăng tốc đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ, tầm nhìn quy hoạch hiện đại, góp phần thay đổi diện mạo của toàn TP. HCM.
>> Dùng thuế để điều tiết thị trường BĐS có thể mang đến hiệu quả thế nào?
Thời gian vừa qua, đã có hàng nghìn tỷ đồng "đổ" vào việc phát triển hạ tầng TP. HCM nói chung và khu Đông nói riêng.
Trong hơn 200 dự án hạ tầng giao thông với tổng vốn 350.000 tỷ đồng dành cho TP. HCM thì có đến 70% đổ vào khu Đông.
Hiện nay, những dự án hạ tầng giao thông chiến lược đã và đang góp phần quan trọng nâng cao khả năng kết nối và giao thương giữa khu Đông TP. HCM với các khu vực khác.
Đơn cử có thể kể đến như việc mở rộng Xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 13; nút giao Mỹ Thủy, Đồng Văn Cống; cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây; Đại lộ Mai Chí Thọ; 4 cầu Thủ Thiêm nối liền Cát Lái và Thạnh Mỹ Lợi; cùng các dự án mở rộng đường Lã Xuân Oai, Lò Lu, Nguyễn Thị Định, Hoàng Hữu Nam và đường Liên cảng Cát Lái - Phú Hữu - nút giao Vành đai 3.
Khu Đông trong tương lai được định hướng trở thành cửa ngõ và đầu mối giao thông chiến lược, kết nối TP. HCM với các tỉnh thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Các dự án lớn như đường Vành đai 3, Vành đai 4, tuyến metro số 1 và đường sắt nối sân bay Long Thành hiện cũng đang được đẩy mạnh triển khai, hứa hẹn thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ cho khu vực.
Hệ thống cảng và mạng lưới kinh tế liên vùng
Ngoài việc sở hữu hệ thống tuyến đường đang ngày một hiện đại, khu Đông còn sở hữu hệ thống cảng nước sâu như cảng Cát Lái, cảng Phú Hữu, cảng Long Bình, cảng Trường Thọ và trong tương lai là cảng Long Phước, cùng siêu cảng Cần Giờ.
Các tuyến đường vành đai dần khép kín. Ảnh chụp màn hình |
Trong tương lai, những công trình này sẽ nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu trong và ngoài nước. Với vị trí chiến lược đặc biệt, khu Đông kết nối dễ dàng với các trung tâm kinh tế lớn như Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, tạo nên mạng lưới kinh tế liên vùng mạnh mẽ.
Định hướng quy hoạch đến năm 2040: Trung tâm đổi mới và đô thị thông minh
Theo quy hoạch đến năm 2040, khu Đông TP. HCM sẽ trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo và đô thị thông minh, với TP. Thủ Đức là hạt nhân. TP. Thủ Đức được kỳ vọng là "Silicon Valley" của Việt Nam, tập trung vào nghiên cứu, phát triển công nghệ tiên tiến, đồng thời thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đây sẽ là trung tâm phát triển công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng và môi trường sống hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của cư dân.
Chia sẻ trên Tạp chí Nhịp sống Thị trường, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc nhà ở CBRE Việt Nam, nhận định rằng với tầm nhìn quy hoạch dài hạn, khu Đông và TP. Thủ Đức sẽ trở thành trung tâm phát triển đô thị năng động của TP. HCM.
Theo đó, không chỉ tập trung vào bất động sản nhà ở, khu vực này còn phát triển bất động sản thương mại, văn phòng và các dự án công nghệ cao, gắn liền với hạ tầng và quy hoạch đô thị hiện đại.
Trong 10 năm qua, khu Đông TP. HCM đã chứng kiến sự mở rộng mạnh mẽ, với nguồn cung bất động sản dồi dào và mặt bằng giá được thiết lập mới cho các sản phẩm cao cấp, hạng sang.
Ông Kiệt cũng cho rằng các công trình hạ tầng hiện tại và sắp tới sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bất động sản gắn liền với cụm đô thị chức năng tại TP. Thủ Đức, đáp ứng nhu cầu của cả nhà đầu tư lẫn người dân mong muốn cải thiện môi trường sống.
Khu Đông đang thay đổi diện mạo với hàng loạt khu đô thị quy mô lớn, được triển khai bài bản như The Global City, Vinhomes Grand Park và Vạn Phúc City.
Loạt dự án này không chỉ mang đến môi trường sống hiện đại, tiện nghi mà còn trở thành cực tăng trưởng bền vững cho thị trường bất động sản TP. HCM.
Với định hướng quy hoạch rõ ràng, sự phát triển đồng bộ của hạ tầng giao thông và đô thị, khu Đông TP. HCM đang vươn mình trở thành trung tâm kinh tế - công nghệ hàng đầu của cả nước, góp phần nâng cao vị thế của TP. HCM trên bản đồ kinh tế toàn cầu.
>> Vừa rời sàn đấu giá, đất Thanh Oai đã được rao bán chênh hàng tỷ đồng
Từ ngày 1/1/2025, tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều thay đổi về đơn vị hành chính 
Hà Nội sắp có trung tâm thương mại 24 tầng, nằm 'sát sườn' bến xe Nước Ngầm