Khúc gỗ có hình thù kỳ lạ tỏa ra hương thơm, khiến người đàn ông chịu án phạt lớn, suýt vướng lao lý
Loại cây này được các nhà thực vật học đánh giá là cây hạt trần quý giá bậc nhất thế giới, thuộc họ lá kim, có quả hình cầu và cành lá giống cây bách.
Một người nông dân sống tại một thị trấn nhỏ gần rừng ở Tứ Xuyên, Trung Quốc. Gia đình ông có chút kiến thức về các bài thuốc Bắc, vì vậy, khi rảnh rỗi, ông thường vào núi tìm kiếm và thu hái một số loại thảo mộc mang về bán để kiếm thêm thu nhập dưỡng già.
Theo Sohu, mọi chuyện vẫn diễn ra bình thường cho đến một ngày nọ, khi ông đi sâu vào rừng tìm cây thuốc và vô tình phát hiện một khúc gỗ  có hình dáng vô cùng đặc biệt. Bên ngoài, lớp vỏ của nó có màu trắng ngà, còn bên trong có màu vàng pha chút hồng nhạt.
Khi đào lên toàn bộ, ông nhận thấy những đường vân uốn lượn mượt mà, trông giống như đôi chân thon dài, mềm mại. Mặc dù không biết rõ loại gỗ này, nhưng ông đoán đây có thể là loại gỗ quý nhờ mùi hương nhẹ nhàng, dễ chịu tỏa ra từ đó. Ông nghĩ rằng việc bán khúc gỗ này có thể đem lại một khoản thu nhập đáng kể.
Nghĩ vậy, ông nỗ lực mang khúc gỗ về nhà. Đang lúc hào hứng với ý nghĩ sắp "phát tài" thì cậu con trai đi làm xa trở về thăm gia đình. Ông nhanh chóng khoe với con và nhờ cậu tìm thợ gỗ để xác định loại gỗ này. Khi ra sau nhà xem xét, con trai ông bỗng tái mặt khi thấy khúc gỗ. Ngay lập tức, anh chụp lại hình ảnh và gọi điện cho một người quen am hiểu.
Sau cuộc trò chuyện, con trai ông khuyên bố nên giao khúc gỗ kỳ lạ này cho cảnh sát, vì anh nghi ngờ đây là gỗ Nhai Bách - một loại gỗ quý hiếm  nằm trong danh mục bảo vệ nghiêm ngặt của Trung Quốc. Loại gỗ này bị cấm khai thác và buôn bán. Người vi phạm có thể đối mặt với án phạt nặng. Sau khi nghe con trai khuyên bảo, để tránh những trường hợp xấu nhất, ông đã đồng ý để con gọi điện báo cảnh sát vào giải quyết khúc gỗ này.
Trước đó, năm 2021, một người đàn ông ở Hồ Bắc từng bị bắt vì khai thác hai cây gỗ Nhai Bách trên vách đá và đem về nhà mà không biết đây là hành vi phạm pháp. Người này sau đó bị phạt 5.000 NDT (hơn 17 triệu đồng) và nhận án treo 4 năm.
Nhai Bách được các nhà thực vật học đánh giá là cây hạt trần quý giá bậc nhất thế giới, thuộc họ lá kim, có quả hình cầu và cành lá giống cây bách. Vỏ cây có màu nâu hoặc xám nâu, cành dày đặc và tán lá rộng.
Đây là một loài thực vật đặc hữu của Trung Quốc và được bảo vệ cấp một quốc gia. Năm 1998, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế tuyên bố cây Nhai Bách đã tuyệt chủng, nhưng loài này đã được tái phát hiện ở huyện Thành Khẩu (Trùng Khánh, Trung Quốc) vào năm 1999. Hiện nay, số lượng cây trưởng thành trong tự nhiên trên thế giới chưa tới 10.000 cây.
Tuy nhiên, trong giới chuyên môn, Nhai Bách không chỉ là một loài cây đơn thuần, mà còn dùng để chỉ phần rễ hoặc thân cây mọc trên các vách đá, bị phong hóa qua hàng nghìn năm. Đặc biệt, những rễ và thân Nhai Bách đã chết ở các vết nứt trên đá tại dãy Thái Hành Sơn phía Bắc Trung Quốc có giá trị rất cao. Điều kiện khắc nghiệt tại đây khiến chỉ khoảng 1/1000 cây có thể sống sót. Những cây này bị gió mạnh uốn cong, tạo nên hình dáng độc đáo. Mật độ gỗ vì thế rất cao, chứa nhiều tinh dầu và có hương thơm dịu nhẹ.
Nhai Bách là loại cây tự nhiên không thể tái tạo, đặc biệt là Nhai Bách mọc trên vách đá với số lượng rất ít. Hương thơm của cây Nhai Bách được xem như một báu vật tự nhiên lưu lại qua hàng thế kỷ.
Chuyên gia sưu tầm Ngụy Lỗi đã ca ngợi loại gỗ đặc biệt này: "Cây Nhai Bách có hình dạng giống quả lựu đạn rất hiếm, xác suất chỉ khoảng 1/100. Chúng sống trong môi trường khắc nghiệt nên có sức sống bền bỉ và rất hiếm khi được tìm thấy".
Theo Sohu, ET Today, Xinhua