Kinh doanh khởi sắc, Hoàng Anh Gia Lai (HAG) khởi động lại phương án tăng vốn bất thành trước đó?
Năm 2022 Hoàng Anh Gia Lai (HAG) đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ 162 triệu cổ phiếu nhằm huy động 1.700 tỷ đồng, nhưng phải tạm dừng.
Ngày 10/8 tới đây CTCP Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán HAG) sẽ chốt danh sách cổ đông lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản. Thời gian thực hiện trong tháng 9/2023. Nội dung lấy ý kiến nhằm thông qua phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ.
Năm 2022 tăng vốn bất thành
Trước đó năm 2022 Hoàng Anh Gia Lai đã thông qua phương án phát hành 162 triệu cổ phiếu với giá 10.500 đồng/cổ phiếu, nhằm huy động khoảng 1.700 tỷ đồng. Danh sách nhà đầu tư tham gia gồm 2 tổ chức, 7 cá nhân trong đó có 5 cá nhân là cổ đông của Hoàng Anh Gia Lai.
Phương án sử dụng 1.700 tỷ đồng đã được Hoàng Anh Gia Lai tính toán, và đã có lần thay đổi phù hợp tình hình thực tế. Nội dung thay đổi, ưu tiên chi thêm tiền với gần 800 tỷ đồng cho công ty con là Hưng Thắng Lợi Gia Lai vay, thay cho mức 500 tỷ đồng ban đầu.
Phương án cho Công ty Gia súc Lơ Pang vay 700 tỷ đồng ban đầu được điều chỉnh lại xuống còn 400 tỷ đồng để đầu tư dự án trồng cây tại Gia Lai.
Còn lại 500 tỷ đồng để trả nợ gốc khoản trái phiếu trước hạn vẫn giữ nguyên.
Thứ tự ưu tiên được HAG tiếp tục nêu rõ, theo trình tự là (1) bổ sung vốn cho Hưng Thắng Lợi Gia Lai, (2) trả nợ gốc trái phiếu và (3) bổ sung vốn cho Gia súc Lơ Pang.
Tuy vậy tháng 9/2022 Hoàng Anh Gia Laicông bố nghị quyết của Hội đồng quản trị về việc tạm dừng hồ sơ đăng ký chào bán riêng lẻ đã được đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 thông qua ngày 8/4.
Theo Hoàng Anh Gia Lai việc dừng phương án phát hành riêng lẻ nhằm điều chỉnh phương án sử dụng vốn chi tiết để đảm bảo phù hợp nhu cầu thực tiễn của công ty. Sau khi có phương án sử dụng vốn mới, công ty sẽ nộp lại hồ sơ đăng ký chào bán riêng lẻ cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Kinh doanh khởi sắc
Về tình hình tài chính, tổng nợ phải trả của HAGL đến hết quý 1/2023 hơn 15.200 tỷ đồng, tăng 650 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong số đó vay nợ tài chính ngắn hạn 4.145 tỷ đồng và vay nợ tài chính dài hạn gần 4.000 tỷ đồng. Trong số nợ vay của Hoàng Anh Gia Lai, có hơn 5.500 tỷ đồng vay trái phiếu.
Về tình hình kinh doanh, HAGL chưa công bố kết quả kinh doanh quý 2/2023, tuy vậy quý 1 đã khởi sắc với doanh thu hơn gấp đôi cùng kỳ, lên gần 1.700 tỷ đồng. Lợi nhuận cũng đạt mức tăng trưởng 17,5% lên 303 tỷ đồng.
Trong cơ cấu doanh thu của Hoàng Anh Gia Lai, mảng trái cây mang về hớn 710 tỷ đồng, chiếm gần 42% tổng doanh thu. Mảng bán heo thu về 563 tỷ đồng, chiếm trên 33% tổng doanh thu. Cả mảng trái cây và bán heo đều có doanh thu tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ.
Năm 2022 Hoàng Anh Gia Lai báo lãi 1.215 tỷ đồng, năm 2021 cũng đã có lãi 128 tỷ đồng. Tình hình kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai có vẻ đã khởi sắc sau 2 năm lỗ đậm 2019 và 2020.
Với lần lấy ý kiến cổ đông này, liệu Hoàng Anh Gia Lai sẽ lại tái khởi động phương án chào bán cổ phiếu tăng vốn điều lệ đã thất bại trước đó?