Thị trường

Kinh nghiệm các nước Đông Nam Á xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ

Tùng Lâm 17/11/2024 - 07:36

Các quốc gia Đông Nam Á đang ngày càng đa dạng hóa danh mục sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ, chú trọng đầu tư vào chuỗi cung ứng và áp dụng chiến lược thương mại linh hoạt, củng cố vị thế trên thị trường toàn cầu.

Xuất khẩu hàng hóa từ các nước Đông Nam Á sang Mỹ đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thập kỷ qua, phản ánh mối quan hệ thương mại ngày càng sâu sắc giữa bên.

Từ năm 2013 đến 2022, giá trị hàng hóa xuất khẩu của khu vực này sang nền kinh tế số một thế giới đã tăng từ 114 tỷ USD lên 291 tỷ USD, đánh dấu bước tiến quan trọng trong hợp tác kinh tế giữa hai bên.

Điều này phần lớn đến từ việc các nước Đông Nam Á đã quan tâm đến việc đa dạng hóa sản phẩm, đầu tư vào chuỗi cung ứng, tận dụng các hiệp định thương mại, và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt.

Các quốc gia trong khu vực đã và đang nỗ lực đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu, từ các sản phẩm truyền thống như nông sản và thủ công mỹ nghệ đến các sản phẩm công nghệ cao. Chẳng hạn, Malaysia và Singapore hiện là những nước xuất khẩu chính về thiết bị điện tử và linh kiện bán dẫn sang Mỹ.

Điều này giúp khu vực này không chỉ đáp ứng nhu cầu công nghệ ngày càng tăng tại Mỹ mà còn củng cố vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, các sản phẩm khác như cao su, dầu cọ, đồ nội thất từ Indonesia và Thái Lan cũng chiếm thị phần đáng kể, đóng góp vào tăng trưởng xuất khẩu của khu vực.

Singapore khẳng định vị thế trung tâm xuất khẩu công nghệ cao

Singapore đã trở thành một trong những quốc gia Đông Nam Á có mối quan hệ thương mại lớn nhất với Mỹ, nhờ vào vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu và khả năng sản xuất các sản phẩm công nghệ cao. Là trung tâm tài chính và thương mại hàng đầu, Singapore xuất khẩu nhiều sản phẩm điện tử, dược phẩm và thiết bị y tế sang Mỹ, với tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa lên đến 45,31 tỷ USD trong năm 2022.

Singapore xuất khẩu nhiều sản phẩm điện tử, dược phẩm và thiết bị y tế sang Mỹ, với tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa lên đến 45,31 tỷ USD. Ảnh: The Strait Times
Singapore xuất khẩu nhiều sản phẩm điện tử, dược phẩm và thiết bị y tế sang Mỹ, với tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa lên đến 45,31 tỷ USD. Ảnh: The Strait Times

Trong những năm qua, Singapore đã không ngừng xây dựng và phát triển hệ thống cảng biển và sân bay tiên tiến nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa đến Mỹ. Bên cạnh đó, mặc dù không có FTA trực tiếp với Washington, quốc gia này tận dụng tối đa các hiệp định thương mại đa phương và các thỏa thuận với các nước khác để giảm thiểu rào cản thương mại.

Quốc đảo Sư tử cũng cam kết tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về an toàn, môi trường và chất lượng sản phẩm, giúp hàng hóa nước này dễ dàng thâm nhập và giữ vững vị thế tại thị trường Mỹ.

Malaysia vươn mình trở thành đầu tàu xuất khẩu điện tử và chất bán dẫn

Malaysia là một quốc gia xuất khẩu chủ yếu các sản phẩm công nghệ cao như chất bán dẫn, linh kiện điện tử và các thiết bị viễn thông. Nhu cầu về công nghệ từ Mỹ đã thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp điện tử Malaysia, đưa nước này trở thành một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Để nâng cao năng lực, quốc gia này không ngừng đầu tư vào cải tiến công nghệ và đào tạo kỹ thuật, giúp sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế và giữ vững uy tín tại các thị trường phát triển.

Ngoài lĩnh vực điện tử, Malaysia còn xuất khẩu sang Mỹ các sản phẩm như dầu cọ, gỗ, cao su và hóa chất. Đặc biệt, các sản phẩm từ dầu cọ, với sự đầu tư về quy trình tinh chế và gia công, đã khẳng định dấu ấn trên thị trường Mỹ. Việc đa dạng hóa danh mục sản phẩm giúp quốc gia Đông Nam Á này không phụ thuộc quá nhiều vào một lĩnh vực duy nhất, giúp giảm thiểu rủi ro từ các biến động kinh tế và tạo điều kiện tiếp cận các phân khúc thị trường khác nhau.

Chính phủ Malaysia hỗ trợ DN thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, tổ chức các hội chợ và triển lãm tại Mỹ để tăng cường quảng bá sản phẩm. Những sự kiện này giúp các DN kết nối với các đối tác, mở rộng quan hệ thương mại và tăng cường nhận diện thương hiệu tại Mỹ.

Các tổ chức xúc tiến thương mại Malaysia như MATRADE cũng tích cực hỗ trợ các DN vừa và nhỏ tiếp cận thị trường Mỹ thông qua các chương trình đào tạo, tư vấn và hỗ trợ kết nối DN, giúp họ tăng cường năng lực cạnh tranh và phát triển quan hệ đối tác.

Indonesia đa dạng hóa sản phẩm và ngành hàng truyền thống

Indonesia đã đạt được nhiều thành công trong việc xuất khẩu các sản phẩm truyền thống như dầu cọ, cao su và gỗ, đồng thời đa dạng hóa xuất khẩu sang các mặt hàng công nghiệp như dệt may và giày dép. Xứ sở vạn đảo là một trong những nhà cung cấp chính về nguyên liệu thô cho thị trường Mỹ, và gần đây đã mở rộng sang các ngành công nghiệp nhẹ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại nền kinh tế số một thế giới.

Để thâm nhập thị trường Mỹ, Indonesia chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn và môi trường. Các DN Indonesia đã áp dụng các quy trình sản xuất nghiêm ngặt và đạt được các chứng nhận cần thiết, giúp tăng cường uy tín và khả năng cạnh tranh.

Chính phủ đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng logistics, bao gồm cảng biển, sân bay và hệ thống đường bộ, nhằm giảm chi phí vận chuyển và tăng hiệu quả xuất khẩu. Việc cải thiện hạ tầng giúp hàng hóa Indonesia đến Mỹ nhanh chóng và tiết kiệm hơn. Các cảng như Tanjung Priok ở Jakarta đóng vai trò quan trọng trong quá trình xuất khẩu. C

hính phủ Indonesia hỗ trợ các DN vừa và nhỏ (SMEs) trong việc nâng cao năng lực sản xuất và tiếp cận thị trường quốc tế, giúp đa dạng lượng hàng hóa xuất khẩu, từ hàng thủ công mỹ nghệ đến các mặt hàng tiêu dùng phổ thông.

Thái Lan nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản và công nghiệp

Thái Lan đang cung cấp lượng lớn mặt hàng nông sản và sản phẩm công nghiệp nhẹ sang Mỹ. Các mặt hàng xuất khẩu chính bao gồm nông sản (gạo, trái cây, cao su) và các sản phẩm chế tạo như ô tô và linh kiện.

Trong những năm qua, quốc gia này đẩy mạnh áp dụng công nghệ và kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp, bảo đảm các sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn thực phẩm, giúp dễ dàng thâm nhập thị trường Mỹ.

Đất nước chùa Vàng cũng là trung tâm sản xuất ô tô hàng đầu trong khu vực, xuất khẩu nhiều loại linh kiện và phụ tùng ô tô sang Mỹ. Điều này giúp Thái Lan duy trì vị thế trong ngành công nghiệp ô tô và các sản phẩm liên quan.

Ngoài ra, việc tổ chức các hội chợ thương mại, triển lãm và xúc tiến thương mại tại Mỹ cũng được chú trọng nhằm quảng bá các sản phẩm nông sản và hàng tiêu dùng, giúp tạo dựng thương hiệu cho hàng hóa của Thái Lan tại Mỹ.

Nhìn chung, sự tăng trưởng xuất khẩu từ Đông Nam Á sang Mỹ là kết quả của việc phát triển năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và chiến lược xuất khẩu hợp lý. Các quốc gia như Singapore, Malaysia, Indonesia, và Thái Lan đã chứng minh rằng việc tận dụng các lợi thế nội địa, kết hợp với các chính sách thương mại linh hoạt, có thể giúp Đông Nam Á nâng cao vị thế trong thương mại toàn cầu và xây dựng quan hệ thương mại bền vững với Mỹ.

>>Xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh

Xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh

Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu: Việt Nam liên tiếp thăng hạng, dẫn đầu thế giới về xuất khẩu hàng hóa sáng tạo

Theo kinhtedothi.vn
https://kinhtedothi.vn/kinh-nghiem-cac-nuoc-dong-nam-a-xuat-khau-hang-hoa-sang-my.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Kinh nghiệm các nước Đông Nam Á xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ
    POWERED BY ONECMS & INTECH