Kinh tế khó khăn, giới trẻ Trung Quốc đổ xô 'lên bờ' thi công chức
Doanh nghiệp tư nhân ngày càng ít được giới trẻ Trung Quốc săn đón do thị trường biến động, trong khi đó khu vực quốc doanh sẽ mang đến cho họ sự ổn định.
"Nên tìm kiếm việc làm trong khu vực tư nhân hay nhà nước ?" là câu hỏi mà đa số sinh viên mới ra trường sẽ phải nghĩ đến. Ở Trung Quốc, câu trả lời cho câu hỏi này đã thay đổi chóng mặt trong vòng 40 năm qua.
Trong những ngày đầu của thời kỳ cải cách vào những năm 1980, có ba loại công việc dành cho người dân thành thị muốn làm việc trong khu vực quốc doanh: công chức tập thể, quản lý chung và công chức cán bộ. Hệ thống công chức cán bộ tương đương với hệ thống công vụ ngày nay.
Vào thời điểm đó, tất cả những người trẻ đều khao khát có một vị trí trong hệ thống này. Nhưng đến những năm 1990, thời thế đã thay đổi.
Ảnh minh họa |
Nếu ví tốc độ phát triển kinh tế Trung Quốc vào những năm 1980 là đi bộ thì có thể nói, những năm 1990 kinh tế Trung Quốc đã phi nước đại nhờ kinh tế thị trường. Những cử nhân đại học quay lưng lại với hệ thống quan liêu để tìm kiếm cơ hội trong các công ty nước ngoài hoặc các công ty liên doanh, hoặc thậm chí thành lập công ty riêng của họ.
Chỉ riêng năm 1992, hơn 120.000 quan chức cấp cán bộ - trụ cột của nhiều cơ quan chính phủ vào thời điểm đó - đã từ chức để làm việc trong khu vực tư nhân. Nhiều người sử dụng tiền tiết kiệm và vay thêm vốn để khởi nghiệp. Nhiều người xuất sắc nhất trong số họ sau này đã trở thành những doanh nhân nổi tiếng nhất Trung Quốc.
Thời ấy, xã hội Trung Quốc ví việc bỏ Nhà nước ra làm cho khu vực tư nhân là “đi ra biển lớn”, với niềm tin và hy vọng vào nền kinh tế thị trường như một biển vàng cơ hội cho những người trẻ giàu nhiệt huyết và tài năng.
Tuy nhiên, trong những năm sau đó, hi nền kinh tế dần có dấu hiệu giảm tốc tăng trưởng, những người trẻ có bằng cấp trong xã hội Trung Quốc dần mong muốn được có một công việc ổn định trong Nhà nước. Dòng người đi thi tuyển cán bộ còn ùn ùn hơn cả số lượng người bỏ việc ra làm tư nhân ở thập niên 1990.
“Lên bờ” khi biển động
Vào năm 2023, khoảng 2,8 triệu người nộp hồ sơ đủ điều kiện tham gia các kỳ thi công chức, cho khoảng 39.000 vị trí công chức nhà nước. Tỷ lệ chênh lệch quá nhiều khiến bằng cử nhân đã trở thành tiêu chuẩn tối thiểu. Ứng viên thậm chí còn được yêu cầu có bằng Tiến sĩ, hay ít nhất là Thạc sĩ nếu ứng tuyển vào những vị trí có tính “cạnh tranh”.
Đóng cửa, sa thải, thất nghiệp và phá sản đều trở thành những từ khóa để mô tả nền kinh tế Trung Quốc  hiện nay. Đối với giới trẻ, công việc lương cao không còn là mục tiêu cuối cùng nữa. Điều họ muốn là những công việc ổn định  trong hệ thống công quyền nhà nước. Sau 3 năm phong tỏa vì đại dịch, toàn xã hội Trung Quốc choàng tỉnh khi nhận ra tầm quan trọng của những công việc Nhà nước “nhàm chán” này.
Chỉ cần một cơn đại dịch và cách ly có thể quét bay mọi công việc với cơ hội và thăng tiến rõ ràng nhất. Ngược lại, một công việc trong Chính phủ là thứ sẽ luôn còn cần thiết và luôn tồn tại, được trả lương đều đặn, ổn định. Dần dà, mọi người đều tin rằng, giống như vàng, có một công việc nhà nước sẽ là nơi trú ẩn an toàn. Công việc có thể nhàm chán nhưng đảm bảo mưu sinh trước những biến động tiêu cực, hoặc một biến cố bất ngờ xảy ra đến cho cả thị trường.
>> Ngược đời tại quốc gia châu Á: Học vấn càng cao, tỷ lệ thất nghiệp càng lớn