Vĩ mô

Kinh tế Việt Nam 2025: Áp lực tỷ giá sẽ vơi bớt?

Khúc Văn 25/12/2024 - 10:17

Với vấn đề tỷ giá, một số chuyên gia khẳng định mọi biến động trên thị trường thế giới liên quan đến giá trị đồng USD đều sẽ tác động đến chính sách tiền tệ trong nước, đặc biệt là tỷ giá. Nếu đồng USD tăng mạnh, điều này sẽ gây sức ép lên tỷ giá và làm cho tỷ giá tăng. Ngược lại, nếu đồng USD yếu đi, nhờ chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) áp lực lên tỷ giá sẽ giảm, giúp ổn định tỷ giá ở mức hợp lý hơn.

Mọi biến động liên quan đến đồng USD đều tác động tới Việt Nam

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, ngành tài chính và ngân hàng trong năm 2025 sẽ phải đối mặt với nhiều biến động lớn, đặc biệt là khi nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng từ các yếu tố toàn cầu, đặc biệt là từ Mỹ.

Mọi biến động liên quan đến đồng USD đều tác động tới Việt Nam
Mọi biến động liên quan đến đồng USD đều tác động tới Việt Nam.

Ông Hiếu cho hay, khoảng 80% tất cả các giao dịch bằng ngoại tệ của Việt Nam bao gồm: thanh toán xuất nhập khẩu, chuyển tiền đầu tư vào Việt Nam và rút vốn khỏi đầu tư, chuyển tiền cá nhân, thanh toán liên ngân hàng với các đối tác nước ngoài và dùng ngoại tệ để buôn lậu - sử dụng đồng USD.

Do đó, mọi biến động trên thị trường thế giới liên quan đến giá trị đồng USD đều sẽ tác động đến chính sách tiền tệ trong nước, đặc biệt là tỷ giá.

“Nếu đồng USD tăng mạnh, điều này sẽ gây sức ép lên tỷ giá và làm cho tỷ giá tăng. Ngược lại, nếu đồng USD yếu đi, nhờ chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) áp lực lên tỷ giá sẽ giảm, giúp ổn định tỷ giá ở mức hợp lý hơn”, ông Hiếu cho biết.

Theo báo cáo mới đây của Ngân hàng Standard Chartered, đồng USD dự kiến sẽ suy yếu vào đầu năm 2025 trước khi tăng mạnh trở lại vào nửa cuối năm, khi các chính sách tài khóa dưới nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thống Donald Trump được triển khai.

“USD có thể phải đối mặt với giai đoạn suy yếu vào đầu năm 2025 do Fed tiếp tục cắt giảm lãi suất và sự bất ổn trong việc thực hiện chính sách. Những tác động kéo dài của việc tăng lãi suất và USD mạnh lên kể từ tháng 10/2024 có thể gây thêm áp lực lên đồng tiền này”, Standard Chartered cho biết.

Đồng thời, theo Standard Chartered, sự suy yếu tạm thời này tạo điều kiện cho các đồng tiền châu Á, bao gồm VND giữ vững sự ổn định. Tuy nhiên, dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan hơn dự kiến gia tăng áp lực cho thị trường ngoại hối châu Á. Các yếu tố như bất ổn trong chính sách thương mại và các biện pháp có thể gây lạm phát dưới thời Tổng thống Donald Trump có thể làm giảm tính ổn định của chính sách tiền tệ trong khu vực.

Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam cho hay, năm 2024, chính sách ưu tiên ổn định tỷ giá, qua đó tạo niềm tin đến nhà đầu tư nước ngoài trong việc đảm bảo giá trị vốn đầu tư vào Việt Nam đã được cơ quan quản lý thực hiện nhất quán và hiệu quả. Hơn 11 tháng qua, USD tiếp tục khẳng định giá trị vượt trội nhờ sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ từ Mỹ, lãi suất USD tiếp tục neo ở mức cao kỷ lục trong nhiều thập kỷ.

“Gần như toàn bộ các đồng tiền quan trọng nhất trong thương mại và đầu tư toàn cầu gánh chịu sức ép giảm giá từ 1 đến 10% so với USD. Với VND, nhờ chính sách ổn định tỷ giá của Nhân hàng Nhà nước trong năm 2024 đạt hiệu quả tích cực, VND chỉ mất giá khoảng 4,5%, mức ổn định trong khu vực. Qua đó, giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài, bất chấp những biến động lớn trên thị trường quốc tế”, ông Quang nói.

Nhiều điều kiện thuận lợi để duy trì mặt bằng lãi suất

Bên cạnh vấn đề về tỷ giá, mặt bằng lãi suất duy trì ổn định cũng là yếu tố tác động tích cực lên chính sách tiền tệ vào đầu năm 2025, từ đó NHNN có nhiều dư địa để tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế thông qua chính sách nới lỏng.

trên thị trường thế giới, đồng USD tăng giá trước khi dữ liệu lạm phát Hoa Kỳ được công bố
Việt Nam đang có nhiều điều kiện để duy trì mặt bằng lãi suất thuận lợi.

Theo đó, mặt bằng lãi suất VND đã duy trì ở mức thấp trong những tháng cuối năm 2024, với lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng dao động từ 4-4,5%, kỳ hạn 12 tháng khoảng 5-5,5%. Theo UOB, đây là mức lãi suất phù hợp trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát dưới 4% và lãi suất USD quốc tế quanh mức 4,5%. Và NHNN có thể tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất chính sách hiện tại trong những tháng đầu năm 2025, duy trì sự hỗ trợ cho nền kinh tế.

Cũng theo UOB, dự kiến Fed sẽ cắt giảm lãi suất USD thêm 0,25% vào kỳ họp tháng 12/2024 và giảm tổng cộng 1% trong năm 2025, đưa lãi suất USD về mức 3,5% vào cuối năm. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để NHNN ổn định mặt bằng lãi suất và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thúy Hạnh, Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp và đầu tư, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam kỳ vọng rằng, NHNN sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong quý II/2025.

Sự kỳ vọng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ từ Chính phủ đang hỗ trợ cho mức lãi suất thấp trong hiện tại. Các động thái của Fed cũng sẽ là yếu tố trọng yếu ảnh hưởng đến các quyết định chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Dự báo từ Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho thấy, tăng trưởng tín dụng năm 2025 sẽ duy trì ở mức 14-15%, nhờ các yếu tố như mặt bằng lãi suất thấp, tín dụng bán lẻ tăng trưởng mạnh và sự phục hồi của các ngành kinh tế chủ chốt. VCBS cũng dự báo lãi suất cho vay sẽ giữ mức thấp đến giữa năm 2025 trước khi có thể nhích nhẹ vào cuối năm, tùy thuộc vào tình hình kinh tế trong nước và quốc tế.

>>Sở hữu loạt mặt hàng tỷ đô, một ngành thu về 62 tỷ USD từ xuất khẩu trong năm 2024

Chuyên gia: Nhiều khả năng Fed sẽ tăng lãi suất vào năm 2025

Lãi suất ngân hàng hôm nay 24/12/2024: Loạt lãi suất ưu đãi chiều khách VIP

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/kinh-te-viet-nam-2025-ap-luc-ty-gia-se-voi-bot-di-267646.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Kinh tế Việt Nam 2025: Áp lực tỷ giá sẽ vơi bớt?
    POWERED BY ONECMS & INTECH