Vĩ mô

Kinh tế Việt Nam 2025: Cần chính sách kích cầu tiêu dùng trong nước

Khúc Văn 09/01/2025 - 06:16

Bình luận về động lực tăng trưởng kinh tế 2025, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng tiêu dùng sẽ là động lực cho tăng trưởng trong năm 2025. Vì thế, chuyên gia này nhấn mạnh cần có chính sách để kích thích tiêu dùng trong nước.

Tiêu dùng là động lực tăng trưởng rất mạnh

TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho hay, theo thống kê của các chuyên gia, trong cơ cấu đóng góp vào GDP năm 2024, đầu tư chiếm hơn 30%, tiêu dùng trên 63% và còn lại là xuất nhập khẩu.

“Điều này cho thấy tiêu dùng cuối cùng là động lực tăng trưởng rất mạnh và quyết định tăng trưởng của nền kinh tế”, TS. Nguyễn Bích Lâm đánh giá.

cổ phiếu ngành thực phẩm và đồ uống ghi nhận mức tăng trưởng 23% trong năm 2024
Tiêu dùng là động lực tăng trưởng rất mạnh của nền kinh tế trong 2025.

Ông cũng cho biết, tính theo phương pháp sử dụng trong mức tăng 7,09% của GDP năm 2024, tiêu dùng cuối cùng, gồm chi tiêu của hộ gia đình và tiêu dùng Chính phủ.

Trong khi đó, tiêu dùng Chính phủ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng tiêu dùng tăng 6,57%, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tăng 5,9%.

Nhắc lại thời kỳ trước COVID-19, ông Lâm cho biết, tổng mức bán lẻ theo giá hiện hành thời điểm này thường đạt tăng trưởng hai con số, theo giá so sánh là xấp xỉ 10%, thường ở mức 8 - 9%. Nhưng trong những năm vừa qua, tổng mức bán lẻ chỉ ở khoảng 5,9 - hơn 6%.

Những kết quả này đã cho thấy động lực tiêu dùng cuối cùng của nền kinh tế trong những năm vừa qua đã có chuyển biến nhưng rất chậm.

Vì những lý lẽ trên, dự báo về tăng trưởng kinh tế trong năm 2025 và những năm tiếp theo, ông Lâm cho rằng tiêu dùng cuối cùng vẫn là động lực rất mạnh vì tiêu dùng cuối cùng chiếm tới 2/3 GDP của toàn nền kinh tế. Do đó, cần có các giải pháp để kích thích động lực tiêu dùng cuối cùng.

“Để có thể tiêu dùng, người dân phải có thu nhập. Vì vậy, cần phải có chính sách để tất cả người lao động đều có thu nhập và là thu nhập khả dụng, tức là thu nhập do bản thân làm ra hoặc do chuyển nhượng. Tiếp đó, cần có sản phẩm đảm bảo chất lượng và giá cả phải chăng, bao gồm cả hàng hoá và dịch vụ”, chuyên gia phân tích.

Bên cạnh đó, để tiêu dùng có thể tác động vào tăng trưởng chung, người dân cần tiêu dùng hàng hoá và dịch vụ sản xuất trong nước. Tiêu dùng hàng hoá nhập khẩu hay nhập khẩu dịch vụ sẽ vô hình trung làm GDP giảm, ông đánh giá.

Nhắc về câu chuyện xuất nhập khẩu du lịch, ông Lâm cho biết năm vừa qua, cả nước đón được 17,6 triệu khách du lịch, gần đạt mục tiêu 18 triệu khách. Lượng khách quốc tế đến tăng trên 33%, doanh thu xuất khẩu dịch vụ du lịch đạt 12,17 tỷ USD. Trong khi đó, nhập khẩu dịch vụ du lịch 12,57 tỷ USD. Như vậy, riêng du lịch, Việt Nam đã nhập siêu hơn 380 triệu USD.

“Chúng ta đón 17,6 triệu khách quốc tế, nhập khẩu dịch vụ du lịch 12,57 tỷ USD, trong khi chỉ có 5,3 triệu người Việt Nam đi ra nước ngoài. Như vậy 5,3 triệu người Việt Nam chi tiêu ở nước ngoài còn nhiều hơn 17,6 triệu khách quốc tế đến Việt Nam. Nếu chúng ta có chính sách tốt, thu hút người Việt du lịch trong nước sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế rất tốt”, ông Lâm khẳng định.

Như vậy tại sao người Việt lại du lịch nước ngoài và chi tiêu ở đó nhiều đến thế? Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, điều này liên quan đến các vấn đề về hàng hoá và giá vé.

Nêu dẫn chứng cụ thể trong năm 2024, khi giá vé máy bay chặng từ Hà Nội đến TP. HCM đắt hơn các chặng bay nước ngoài, rất nhiều gia đình đã chọn du lịch nước ngoài thay vì du lịch trong nước vào các dịp lễ như 30/4 - 1/5 hay dịp Quốc khánh 2/9. Theo đó, ông đề nghị Chính phủ cần quan tâm tới vấn đề này bởi giá vé máy bay đã chiếm tới 1/3 chi phí du lịch.

“Để kích cầu tiêu dùng trong nước, kích thích tăng trưởng GDP, người dân Việt Nam phải chi tiêu hàng hoá và dịch vụ sản xuất trong nước. Nếu người dân chi tiêu hàng hoá và dịch vụ nhập khẩu thì vô hình trung sẽ khiến GDP giảm. Tuy nhiên, để kích cầu tiêu dùng, cần có các chính sách tác động làm tăng thu nhập của các hộ gia đình", TS. Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.

>>Cần giải pháp nào để nền kinh tế đạt mức tăng trưởng GDP đạt 7,5 - 8% trong 2025?

Cần chính sách tài khoá hỗ trợ người dân, chính sách tín dụng cho tiêu dùng.

Để thúc đẩy tiêu dùng trong nước, ông Lâm đề xuất Chính phủ có các giải pháp hỗ trợ để người lao động sẵn sàng tìm kiếm việc làm.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.703,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8%.
Cần chính sách tài khoá hỗ trợ người dân, chính sách tín dụng cho tiêu dùng.

Ông cũng chỉ ra rằng, thị trường lao động tại Việt Nam đang gặp tình trạng đáng lo ngại là khu vực phi chính thức chiếm tỷ trọng rất lớn, nhiều người dân không muốn vào doanh nghiệp làm việc, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19.

Vì vậy, ông đề xuất có các chính sách để tạo việc làm, giúp người lao động tìm kiếm được việc làm và an tâm làm việc ở khu vực chính thức.

Tiếp đó, cần có chính sách để người dân có thêm thu nhập cho chi tiêu, cụ thể là chính sách thuế chính sách thuế. Theo quy định hiện hành, lạm phát của nền kinh tế trong nhiều năm phải khoảng 20% thì mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.

Tuy nhiên, với mức lạm phát được kiểm soát trong khoảng 3% như hiện nay, nếu chờ đợi đến khi lạm phát rất cao mới điều chỉnh thì mức thuế giảm trừ gia cảnh đã ảnh hưởng nhiều đến thuế thu nhập của gia đình. Vì vậy, cần phải có cái chính sách thuế phù hợp và có thể áp dụng cho từng tầng lớp dân cư từ thu nhập thấp, trung bình tới cao.

Một chính sách thuế khác cũng tác động tốt tới kích cầu tiêu dùng là chính sách VAT. Chính sách này đã được thực hiện trong những năm vừa qua, giúp giảm giá hàng hoá và dịch vụ cho người tiêu dùng.

Ngoài ra, ông Lâm kiến nghị Chính phủ có những chính sách tài khoá hỗ trợ người dân, chính sách tín dụng cho tiêu dùng.

“Cần có những giải pháp đồng bộ trên các mảng lớn để tăng thu nhập, tăng sản phẩm, giảm giá thành sản phẩm, sản phẩm đa dạng, đồng thời phát triển cả ba hệ thống thương mại. Có như vậy mới có thể tích cầu tiêu dùng”, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định.

>>Ukraine trở lại đường đua năng lượng, ngành khí đốt tăng trưởng hai năm liên tiếp

Từ năm nay, người tiêu dùng khi mua sắm, thanh toán hóa đơn online trên 5 triệu đồng cần lưu ý điều này

Không chỉ bán lẻ và tiêu dùng, các đại gia Thái Lan đang 'đổ tiền' vào nhiều lĩnh vực chiến lược tại Việt Nam

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/kinh-te-viet-nam-2025-can-chinh-sach-kich-cau-tieu-dung-trong-nuoc-270345.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Kinh tế Việt Nam 2025: Cần chính sách kích cầu tiêu dùng trong nước
    POWERED BY ONECMS & INTECH