Theo kế hoạch, hệ thống KRX sẽ sẵn sàng triển khai vào ngày 25/12, tuy nhiên vẫn có ý kiến chuyên môn cho rằng hệ thống này nhanh nhất đến cuối quý I hoặc quý II/2024 mới “go-live” được.
Theo kế hoạch từ phía nhà thầu là Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX), Việt Nam sẽ tiến hành kiểm thử đợt cuối cùng trong tháng 11 và hoàn thành các công tác chuẩn bị hệ thống vào 25/12 để sẵn sàng triển khai. Việc hệ thống giao dịch KRX được chính thức đưa vào hoạt động được xem tiền đề quan trọng cho việc nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi, cũng như cho phép thực hiện nghiệp vụ bán chứng khoán chờ về (T0).
Theo: Báo cáo quý IV/2023 công ty chứng khoán KB |
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng “go-live” có khả năng chậm hơn dự kiến khoảng 3 - 5 tháng. Trích chia sẻ với VnBusiness, chuyên viên kỹ thuật của một công ty chứng khoán thông tin, hiện nay, việc test hệ thống giữa các bên bao gồm: KRX, Trung tâm Lưu ký (VSD), HoSE, các công ty chứng khoán, và các vendor cung cấp phần mềm cho các công ty chứng khoán đang phát sinh nhiều lỗi sau quá trình test 2 tuần đầu tiên như: lệnh treo không vào được, không truy xuất được báo cáo, trả kết quả chưa chính xác…
Chuyên viên này cũng cho biết, theo tham khảo quan điểm một số bên tham gia test thì có thể trễ 3 - 5 tháng, tức kỳ vọng “go-live” nhanh nhất cũng phải cuối quý I hoặc quý II/2024.
Đánh giá triển vọng nhóm ngành chứng khoán, KB Securities cho rằng mức nền thấp vào quý IV năm ngoái sẽ là động lực cho tăng trưởng của nhóm ngành chứng khoán trong thời gian tới. Bởi trong quý IV/2022, nhóm công ty chứng khoán ghi nhận khoảng thời gian khó khăn nhất trong nhiều năm.
Tuy nhiên, các nhà đâu tư không nên quá lạc quan, giai đoạn cuối năm 2023, các công ty chứng khoán đang gấp rút tăng mạnh vốn. Nhìn rộng hơn, hơn 2 năm qua, nhiều công ty chứng khoán đã dồn dập tăng vốn điều lệ với tổng quy mô tăng gấp 2,5 lần. Mặc dù việc tăng vốn khủng được cho là động lực để thị giá cổ phiếu nhóm ngành này tăng giá, tuy nhiên đi cùng với đó là lo ngại pha loãng cổ phiếu.
"Bởi khi “nồi cháo” đã to hơn, nó sẽ loãng ra nhiều và cần thời gian cho thêm thịt thà mắm muối – chính là việc gia tăng hơn nữa lợi nhuận của các doanh nghiệp trong thời gian tới thì mới ngon trở lại", một chuyên gia ví von.
Chưa kể, định giá của nhóm chứng khoán cũng đã không còn quá hấp dẫn sau nhịp tăng vừa qua. Đa phần các cổ phiếu nhóm này đang có P/B ở trên mức trung bình 5 năm và cao hơn nhiều so với các công ty cùng ngành trong khu vực.
Theo các chuyên gia, tỷ lệ pha loãng cổ phiếu là điều không thể tránh khỏi, nhưng cũng không phải sự pha loãng nào cũng mang lại rủi ro. Việc này sẽ phụ thuộc vào nội lực của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp nào vẫn duy trì tăng trưởng lợi nhuận từ 20 - 40% trong năm nay sẽ có thể bù đắp phần nào mức độ pha loãng này. Do đó, nhà đầu tư cần xem xét kỹ kế hoạch phát hành, chia cổ phiếu mới của từng doanh nghiệp để tránh thiệt hại.
“Các cổ phiếu có mức P/B dưới trung bình, thị phần nằm trong nhóm dẫn đầu cùng nền tảng kinh doanh tốt sẽ là cơ hội đầu tư đáng quan tâm để giải ngân trong thời gian tới”, KBSV nhấn mạnh.