Lãi suất giảm, tiền gửi vào ngân hàng vẫn tăng cao hơn tín dụng
Lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng đang có xu hướng giảm nhanh, tuy nhiên, tiền gửi vào ngân hàng vẫn tăng cao hơn tín dụng.
Theo NHNN, trong 6 tháng đầu năm, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các ngân hàng thương mại giảm khoảng 1%/năm so với cuối năm 2022.
Các ngân hàng thương mại đã chủ động điều chỉnh, triển khai các chương trình/gói tín dụng ưu đãi để giảm lãi suất cho vay với mức giảm khoảng 0,5 - 3,0%/năm, tùy đối tượng khách hàng, đối với các khoản vay mới. NHNN cũng đã 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất với mức giảm 0,5 - 2%/năm.
Theo báo cáo quý 2 tại các ngân hàng cho thấy, tổng tiền gửi khách hàng tại 29 ngân hàng tính đến 31/03/2023 là gần 10,7 triệu tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Chỉ có 2/29 ngân hàng có lượng tiền gửi khách hàng giảm là PGB và NVB, các ngân hàng còn lại tăng trưởng dương với tốc độ bình quân 9,6%.
Đáng chú ý, HDBank (HDB) là ngân hàng dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng khi huy động được 309.645 tỷ đồng, tăng gần 44% so với đầu năm. Kế đến là VPB tăng gần 28% (62.234 tỷ đồng) và VAB tăng 20% (84.082 tỷ đồng).
Xét về giá trị tuyệt đối, Agribank mới là ngân hàng có lượng tiền gửi khách hàng cao nhất hệ thống với gần 1,7 triệu tỷ đồng, dù chỉ tăng nhẹ gần 4% so với đầu năm. Xếp ngay sau đó là BIDV với hơn 1,5 triệu tỷ đồng (+5%) , VCB xếp thứ ba với gần 1,33 triệu tỷ đồng (+7%) và CTG ghi nhận hơn 1,31 triệu tỷ đồng (+5%). Sacombank (STB) dẫn đầu nhóm ngân hàng tư nhân với 501.583 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với đầu năm.
Hiện nay, các ngân hàng thương mại nhà nước, bao gồm Agribank, Vietcombank, BIDV và VietinBank đang có lãi suất tiền gửi cao nhất là 6,3%/năm với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Trong khi đó, trong nhóm các ngân hàng tư nhân lớn, một số đã đưa lãi suất kỳ hạn này về khoảng 6%. Lãi suất tối đa của những nhà băng này nằm trong khoản từ 6,2 - 6,9%/năm, tùy vào kỳ hạn.