Chứng khoán

Lãi suất thấp kỷ lục, mạnh tay giao tín dụng: Cổ phiếu ngân hàng 'nổi sóng'

Mạnh Hà 05/01/2024 - 07:22

Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục nổi sóng sau những tín hiệu tích cực về chính sách tiền tệ. Tín dụng được giao mạnh tay và lãi suất thấp có thể khiến các tổ chức tín dụng có một năm sôi động 2024.

Cổ phiếu ngân hàng bùng nổ

Trong phiên giao dịch 4/1, thị trường chứng khoán sôi động với thanh khoản tăng vọt lên trên ngưỡng tỷ USD nhờ sự bứt phá và dòng tiền đổ vào nhóm cổ phiếu ngân hàng và một số nhóm được hưởng lợi từ nỗ lực kích thích tăng trưởng kinh tế của Chính phủ.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng nổi trội với phần lớn các mã tăng giá, trong đó có những mã tăng bùng nổ, có lúc tăng kịch trần như cổ phiếu CTG của Ngân hàng Vietinbank hay MBB của Ngân hàng Quân đội MBBank.

Trong phiên, có lúc MBB tăng thêm 7% lên 20.450 đồng/cp, trước khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/1 ở mức 20.100 đồng/cp. Trước đó, MBB cũng có 4 phiên tăng liên tiếp. Trong 10 phiên gần nhất, MBB có 8 phiên tăng điểm, 1 phiên đứng giá và 1 phiên giảm nhẹ.

MBBank được biết đến là một ngân hàng bứt phá mạnh mẽ trong nhiều năm gần đây và có lợi nhuận tăng mạnh, một phần nhờ tín dụng tiêu dùng.

nganhang thoaivon tctc okok.jpg
Cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh vào đầu năm 2024 (Ảnh: HH)

Theo VNDirect, trong năm 2023 MBBank tăng trưởng mạnh nhờ hạn mức tăng trưởng tín dụng dồi dào (hơn 25%), cao hơn nhiều so với kế hoạch toàn ngành (14%). Đây là ngân hàng tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém và có lợi thế ở các lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng cao như năng lượng tái tạo hay bán lẻ.

Cổ phiếu Vietinbank (CTG) cũng diễn biến sôi động, có lúc tăng trần lên 29.500 đồng/cp, trước khi đóng cửa phiên 4/1 ở mức 28.600 đồng/cp.

Ngoài ra, cổ phiếu VCB của Vietcombank cũng tăng mạnh 1.400 đồng, lên 85.900 đồng/cp. Techcombank (TCB) của tỷ phú Hồ Hùng Anh tăng 500 đồng, lên 33.100 đồng/cp.

Trên thực tế, nhóm cổ phiếu ngân hàng bắt đầu có tín hiệu tích cực, trở thành động lực chính dẫn dắt thị trường, từ phiên cuối năm ngoái (29/12/2023), sau một thời gian dài “lặng sóng” dưới áp lực từ nợ xấu và nút thắt tăng trưởng tín dụng. Cổ phiếu HDBank (HDB) do nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo làm chủ tịch tăng vọt hơn 4,9% hôm 29/12, đưa cổ phiếu HDB lên mức giá cao nhất trong năm 2023. Thanh khoản của HDBank cũng đạt hơn 12,4 triệu đơn vị, gấp 20 lần so với khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên trước đó.

Trong phiên 4/1, nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh nhờ thông tin nóng hổi về chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Chờ lợi nhuận bứt phá

Hôm 31/12, NHNN đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng về kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2024 với định hướng tăng trưởng tín dụng 15% trong năm 2024, đồng thời giao hết toàn bộ room tín dụng cho các ngân hàng ngay từ đầu năm.

Không bó hẹp ở mức 15%, NHNN cũng sẽ điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng năm 2024 và điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của từng ngân hàng, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cung ứng đủ và kịp thời vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Thông tin tăng trưởng tín dụng tăng mạnh vào cuối năm 2023, kéo mức tăng cả năm lên 13,5%, không thấp hơn mục tiêu 14% quá nhiều cũng tác động tích cực tới tâm lý của các nhà đầu tư.

tindung2012 2023.gif
Tăng trưởng tín dụng qua các năm.

Hiện lãi suất huy động xuống rất thấp, trong khi lãi suất cho vay cũng đang giảm nhanh. Đây là yếu tố được kỳ vọng sẽ giúp tín dụng tăng trưởng nhanh, đặc biệt là cho đối với lĩnh vực bất động sản. Lãi thấp sẽ kích thích hoạt động mua nhà của người dân.

Chuyên gia chứng khoán Huỳnh Minh Tuấn - nhà sáng lập đơn vị Tư vấn đầu tư & Quản lý gia sản FIDT - cho rằng, các dữ liệu về tăng trưởng tín dụng và động thái giao room tín dụng ngay từ đầu năm của NHNN cho thấy rất rõ quyết tâm điều hành của Chính phủ tập trung cho mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và sẽ quyết liệt hơn trong 2024.

Theo đó, mức tăng 13,5% trong năm 2023 cho thấy Chính phủ đã có các động thái rất mạnh trong tăng trưởng tín dụng, đặc biệt là các tuần cuối năm. Số liệu này vượt dự phóng của hầu hết các bên, vốn chỉ kỳ vọng ở quanh mức 12,x%.

Theo ông Tuấn, nếu mổ xẻ kỹ hơn thì chỉ trong tháng 12, tín dụng tăng 4,35% (bằng gần 1/3 số tăng cả năm), là mức tăng tín dụng tháng 12 cao nhất trong hơn thập kỷ qua. Động thái đẩy mạnh cả tiền tệ và tài khóa trong quý IV/2023 được xem là tạo điều kiện cho sự phục hồi kinh tế trong 2024 và rõ nét hơn trong nửa sau của năm mới.

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế vĩ mô KB Securities, đánh giá, dù phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, bức tranh ngành ngân hàng năm 2024 được nhận định có nhiều điểm sáng tích cực.

Theo đó, mặt bằng lãi suất thấp được kỳ vọng tiếp tục duy trì trong năm 2024, từ đó tạo động lực thúc đẩy tín dụng và cải thiện chi phí vốn cho các ngân hàng. Lãi suất thấp sẽ thúc đẩy nhu cầu tín dụng để phục vụ sản xuất, cùng với việc các chính sách hỗ trợ của Chính phủ phát huy tác dụng, thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, những vướng mắc về pháp lý trong lĩnh vực bất động sản tiếp tục được tháo gỡ, giúp thị trường này sớm đi qua giai đoạn suy thoái.

Chứng khoán MBS cũng tin rằng, tăng trưởng lợi nhuận sẽ khả quan nhờ tiết giảm chi phí vốn. Hiện lãi suất huy động toàn ngành thấp hơn mức đáy trong giai đoạn dịch Covid-19, với mức trung bình kỳ hạn 12 tháng lần lượt là 4,9% và 5,1% của nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần. Nhiều khả năng, mặt bằng lãi suất thấp sẽ kéo dài ít nhất 6-9 tháng, giúp các ngân hàng có thể gia tăng biên lãi ròng (NIM).

Ở chiều ngược lại, ông Lưu Chí Kháng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công ty Chứng khoán Kiến Thiết (CSI), đánh giá thận trọng hơn. Ông Kháng cho hay, trong ngày 4/1, áp lực chốt lời cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh vào cuối phiên.

Theo ông Kháng, tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng có thể không cao khi tỷ lệ nợ xấu cao. Trong năm 2024, nhiều khả năng phần lớn lợi nhuận sẽ bị trích lập dự phòng. Nói chung, triển vọng ngành ngân hàng ở mức trung bình, đầu tư cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm. Dù vậy, đây là dòng vốn hóa lớn nhất và lợi nhuận chiếm tỷ trọng lớn nhất thị trường chứng khoán.

Chứng khoán MBS cũng cho rằng, áp lực trích lập dự phòng trong năm 2024 là đáng kể, nhưng có sự phân hóa rõ nét giữa các ngân hàng. Những ngân hàng đã gia tăng trích lập lớn trong năm 2023 có lợi thế tăng trưởng lợi nhuận cao trong năm 2024.

>> Cập nhật diễn biến nhóm cổ phiếu ngân hàng 3/1: Khối ngoại mua ròng lượng lớn VCB, HDB và VPB

‘Lướt sóng’ 3 triệu cổ phiếu, một công ty liên quan đến lãnh đạo của Pinaco (PAC) nhận lãi khủng

Cập nhật diễn biến nhóm cổ phiếu ngân hàng 4/1: Nhà đầu tư gom mạnh, hút gần 7.000 tỷ đồng

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/lai-suat-thap-ky-luc-manh-tay-giao-tin-dung-co-phieu-ngan-hang-noi-song-2235221.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Lãi suất thấp kỷ lục, mạnh tay giao tín dụng: Cổ phiếu ngân hàng 'nổi sóng'
    POWERED BY ONECMS & INTECH