Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể lùi thời gian điều chỉnh chính sách tới tháng 9 đang đẩy ECB vào thế khó.
Kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ tại trụ sở ở Frankfurt, Đức, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB)  hôm 11/4 vẫn giữ lãi suất ở mức 4%, mức kỷ lục đã được duy trì từ tháng 9 năm ngoái.
Nền kinh tế gần như không tăng trưởng trong khi lạm phát gần đạt mục tiêu khiến ECB tính đến khả năng cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tiếp theo. Ngân hàng Trung ương của 20 quốc gia dùng chung đồng euro cho biết sẽ hạ lãi nếu dữ liệu củng cố niềm tin lạm phát đang giảm về mức mục tiêu một cách bền vững.
Các nhà hoạch định chính sách của ECB, bao gồm cả phe ủng hộ môi trường lãi suất cao hơn, cũng đồng tình giảm lãi suất tại cuộc họp ngày 6/6 sắp tới, với điều kiện các chỉ số chính như tăng trưởng tiền lương và lạm phát cơ bản ở mức vừa phải.
“Những gì mà ECB đã nói ngày hôm nay giống như một lời cam kết trước về việc cắt giảm lãi suất vào tháng 6”, nhà kinh tế trưởng Jorg Kramer của ngân hàng Commerzbank nhận định. “Để ECB không hạ lãi suất vào tháng 6, dữ liệu lạm phát và tiền lương sẽ phải rất nóng”.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) |
Tuy nhiên, lộ trình này của ECB đang trở nên phức tạp hơn dự tính. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)  có thể lùi thời gian điều chỉnh chính sách tới tháng 9 do lạm phát Mỹ tăng 3,5% sẽ đẩy ECB vào thế khó.
Các nhà đầu tư dự báo Fed chỉ có tối đa hai lần giảm lãi suất trong năm nay, dù trước đó họ đưa ra kịch bản giảm ba lần.
Trong khi đó, ECB đang phải đối mặt với bối cảnh kinh tế khác với Mỹ. Lạm phát ở châu Âu, tuy cao hơn mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương nhưng đã hạ nhiệt đều đặn. Từ mức đỉnh 10,6% ghi nhận vào năm 2022, lạm phát tại đây đã giảm về mức 2,4% trong tháng 3 vừa qua, cách không xa mục tiêu của ECB.
Dù vậy, bài toán đau đầu của họ là kinh tế đã đình trệ từ cuối năm 2022.
Theo Deutsche Bank, các nhà đầu tư cũng bác bỏ kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất của các Ngân hàng Trung ương lớn khác. Họ hạ thấp dự báo khả năng ECB điều chỉnh chính sách này vào tháng 6, từ mức 91% xuống 82%.
Tuy nhiên, Chủ tịch ECB Christine Lagarde bác bỏ quan điểm cho rằng ECB chưa sẵn sàng cho việc giảm lãi suất trừ phi Fed giảm. “Chúng tôi hành động dựa vào dữ liệu kinh tế chứ không phụ thuộc vào Fed”, bà nói và nhấn mạnh rằng lạm phát ở Mỹ và Eurozone là không giống nhau.
Đồng thời, bà cũng cảnh báo việc rút ra kết luận về một Ngân hàng Trung ương từ một Ngân hàng Trung ương khác.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng mọi chuyện không đơn giản như vậy. Các động thái chính sách của Fed có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế thế giới vốn phụ thuộc nhiều vào đồng USD. Điều đó có nghĩa, ECB có thể điều chỉnh, nhưng đà giảm ít hơn để đảm bảo chênh lệch lãi suất euro và USD ở mức hợp lý.
>> CNBC: Lạm phát siêu lõi cao nhất 11 tháng, Fed đang gặp rắc rối lớn