Láng giềng Việt Nam sắp xây công trình khổng lồ, sản xuất gần 300 tỷ kWh điện/năm, gấp 3 nhà máy thuỷ điện lớn nhất thế giới
Dự án thủy điện này dự kiến được xây dựng trên sông Yarlung Tsangpo ở khu tự trị Tây Tạng, đặt ra những thách thức kỹ thuật chưa từng có.
Trung Quốc đã phê duyệt dự án thủy điện  khổng lồ trên con sông dài nhất Tây Tạng, có thể tạo ra lượng điện gấp 3 lần so với đập Tam Hiệp, hãng thông tấn Nhà nước Tân Hoa Xã đưa tin.
Dự án này dự kiến sẽ tạo ra gần 300 tỷ kWh điện mỗi năm. Còn nhà máy thủy điện Tam Hiệp, đang có công suất lắp đặt lớn nhất thế giới, có thể sản xuất 88,2 tỷ kWh.
Dự án này được đặt trên sông Yarlung Tsangpo ở khu tự trị Tây Tạng với những thách thức chưa từng có. Hiện chưa có thời điểm chính xác xây dựng nhưng dự kiến, tổng số vốn đầu tư vào nhà máy này có thể trên 1.000 tỷ nhân dân tệ (137 tỷ USD), vượt xa bất kỳ dự án cơ sở hạ tầng nào khác trên hành tinh này.
Sông Yarlung Tsangpo chảy qua Cao nguyên Tây Tạng, tạo ra hẻm núi sâu nhất trên Trái Đất và có độ cao đáng kinh ngạc là 7.667m trước khi chảy đến Ấn Độ được gọi là sông Brahmaputra.
Để khai thác tiềm năng thủy điện của dòng sông, phải khoan 4 đến 6 đường hầm dài 20km qua núi Namcha Barwa để chuyển hướng một nửa lưu lượng dòng chảy của sông với tốc độ khoảng 2.000m/s.
Dự án thủy điện này dự kiến đáp ứng nhu cầu hàng năm của hơn 300 triệu người. Đặc biệt, dự án này sẽ ưu tiên bảo vệ môi trường. "Đây là bước chuyển lớn trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh và ít carbon của Trung Quốc" – Một báo cáo cho biết.
Chủ tịch một công ty điện lực Nhà nước Trung Quốc cho biết, sông Yarlung Tsangpo có nhiều vị trí là một trong những khu vực giàu thuỷ điện nhất thế giới. "Khu vực hạ lưu có độ dốc thẳng đứng 2.000m trên khoảng cách 50km, tương ứng với gần 70 triệu kWh tài nguyên có thể được khai thác".
Lần đầu tiên công bố về dự án này vào năm 2020, Bắc Kinh đã làm dấy lên mối lo ngại về tác động của đập đối với an ninh lương thực và dòng nước của Ấn Độ, có thể khiến nước này lũ lụt  hoặc hạn hán.
Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2023 của các nhà khoa học tại khoa kỹ thuật thủy lợi thuộc Đại học Thanh Hoa cho biết, dự án có thể mang lại lợi ích cho Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh nếu các nước hợp tác.
Theo nghiên cứu, việc sử dụng hồ chứa nước để quản lý đỉnh lũ có thể giúp giảm tới 32,6% diện tích bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ở Ấn Độ và 14,8% ở Bangladesh.
Lược dịch từ SCMP, Deccan Herald
>> Tỉnh đặt 2 nhà máy điện hạt nhân sắp có khu đô thị hơn 7.700 tỷ đồng