Kênh đào là một dự án lịch sử sẽ mang lại lợi ích cho người dân quốc gia Đông Nam Á này nhưng cũng có thể tác động đến môi trường xuyên biên giới.
Dự án xây dựng kênh đào Funan Techo của Campuchia  là một công trình thủy lộ nội địa. Tuyến đường thủy dài 180km sẽ nối một cảng ở thủ đô Phnom Penh, kéo dài đi qua các tỉnh Kandal, tỉnh Takeo, tỉnh Kampot và kết nối với các cảng ở tỉnh Kep của Campuchia đổ ra vịnh Thái Lan.
Được coi là kế hoạch nhằm khôi phục hệ thống nước chưa được sử dụng hiệu quả của quốc gia này, kênh đào  có chiều rộng 100m về phía thượng nguồn và 80m về phía hạ lưu, sâu 5,4m và có thể tiếp nhận các tàu có trọng tải lên tới 3.000 tấn.
Dự án kênh đào 1,7 tỷ USD của Campuchia. Ảnh: Khmer Times |
Dự án do tập đoàn Hợp tác Cầu đường Trung Quốc (CRBC) tài trợ với số tiền lên đến 1,7 tỷ USD (khoảng 43.206 tỷ đồng) theo mô hình Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT).
Theo Khmer Times, công trình bao gồm 3 đập thủy điện, 11 cây cầu, vỉa hè dài 208km, đồng thời cung cấp hỗ trợ giao thông thủy và cơ sở hạ tầng xuyên sông khác. Việc xây dựng kênh đào dự kiến bắt đầu vào cuối năm 2024 và ước tính mất khoảng 4 năm để hoàn thành.
Khi chính thức đi vào hoạt động, kênh đào hứa hẹn mang lại sự phát triển kinh tế, khả năng tự chủ và kết nối cao hơn cho Campuchia, giúp nước này đạt được tầm nhìn trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và quốc gia có thu nhập cao vào năm 2050.
Thủ tướng Campuchia Hun Manet cũng tuyên bố rằng kênh đào sẽ không gây ra bất kỳ tác động tiêu cực nào đến môi trường hoặc ảnh hưởng đến dòng nước của sông MeKong, nơi có nghề đánh cá giúp nuôi sống hàng triệu người trong khu vực.
Tuy nhiên, bất chấp sự đảm bảo này, kế hoạch đã khiến Việt Nam lo ngại về tác động môi trường tiềm tàng đối với sông MeKong.
Lo ngại của Việt Nam
PGS, TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu tại Đại học Cần Thơ cho rằng rằng dự án dài này có thể làm giảm 50% lưu lượng nước đến các khu vực phía Nam ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Hơn một nửa diện tích canh tác ở khu vực này có nguy cơ bị xâm nhập mặn vào mùa khô và thời điểm triều cường, theo PGS Tuấn.
Các chuyên gia môi trường tại Việt Nam cảnh báo về những tác động tiêu cực của dự án kênh đào quy mô lớn này. Ảnh: Getty Images |
Tại hội thảo tham vấn ngày 23/4 tại Cần Thơ do Ủy ban sông MeKong Việt Nam tổ chức, ông nói: “Khi kênh đi vào hoạt động, ĐBSCL sẽ thiếu nước ngọt trầm trọng, làm gián đoạn các hoạt động nông nghiệp và hệ sinh thái khu vực”.
Đồng bằng sông Cửu Long rộng 40.000km2 ở miền Nam là nơi sinh sống của hơn 17,4 triệu người. Nó chiếm 50% sản lượng lúa gạo cả nước, 65% nuôi trồng thủy sản và đóng góp 17% GDP của nước ta.
Ông Tuấn, thành viên của Ủy ban sông MeKong Việt Nam, cảnh báo tình trạng thiếu nước ngọt còn ảnh hưởng đến hàng chục dự án ở ĐBSCL và gây tác động tiêu cực đến sinh kế của người dân địa phương, dẫn đến tình trạng di cư quy mô lớn.
Tại hội thảo, các bên tham gia cũng đề nghị phía Campuchia sớm chia sẻ thông tin chi tiết về mục tiêu, thiết kế và vận hành của dự án nhằm kịp thời thực hiện nghiên cứu về tác động của dự án; đồng thời, đề xuất các biện pháp giảm thiểu, giám sát tác động.