Lãnh đạo Trung Quốc - Ấn Độ chuẩn bị cho bước đột phá lớn tại Nga
Ấn Độ và Trung Quốc vừa đạt được thỏa thuận về tuần tra ở biên giới tranh chấp, đánh dấu bước tiến lớn sau 4 năm quan hệ song phương lao dốc vì vụ đụng độ chết người trên biên giới.
Binh lính Trung Quốc và Ấn Độ tuần tra trên biên giới thuộc dãy Himalaya. (Ảnh: aa.com) |
Ngày 21/10, một quan chức cấp cao Ấn Độ đưa ra thông báo trên trước khi Thủ tướng Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên đường đến Nga dự hội nghị thượng đỉnh BRICS .
Thông tin rộ lên trong những ngày gần đây là việc Trung Quốc và Ấn Độ đang chuẩn bị tiến tới bước đột phá ngoại giao và lãnh đạo hai nước sẽ thảo luận về việc bình thường hóa quan hệ trong cuộc gặp gỡ trực tiếp bên lề hội nghị BRICS ở TP. Kazan.
“Trong mấy tuần qua, các quan chức đàm phán quân sự và ngoại giao của Trung Quốc và Ấn Độ đã trao đổi tích cực với nhau trên nhiều diễn đàn, kết quả là đã đạt được thỏa thuận về tuần tra dọc Đường kiểm soát thực tế”, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Ấn Độ Vikram Misri nói với báo chí tại New Delhi. Ông cho biết, thỏa thuận này sẽ dẫn đến việc “nối lại trao đổi và giải quyết các vấn đề này sinh ở khu vực này từ năm 2020”.
Cuộc ẩu đả năm 2020 khiến nhiều binh lính thiệt mạng. Chính phủ của Thủ tướng Modi coi đó là sự phản bội. Sự cố đó cũng mở ra cơ hội ngoại giao cho Mỹ, để Washington tăng cường đáng kể hợp tác quân sự và ngoại giao với New Delhi.
Tuy nhiên, quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ trở nên căng thẳng trong năm qua vì quan hệ giữa Ấn Độ và Nga, cùng với chuyện các đặc vụ Ấn Độ bị cáo buộc liên quan đến vụ ám sát nhân vật người Sikh ở New York.
Các quan chức Mỹ khẳng định không phản đối bất kỳ thỏa thuận nào giữa Ấn Độ và Trung Quốc để thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng khu vực. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng những động thái của New Delhi và Bắc Kinh sẽ được Washington theo dõi chặt chẽ, nhất là vào dịp Tổng thống Vladimir Putin chủ trì hội nghị BRICS để thể hiện quan hệ tốt đẹp giữa các quốc gia không thuộc phương Tây.
>>Nga và đồng minh BRICS sắp tung 'đòn hiểm' chấm dứt thế thống trị của đồng USD?