Lật mở những trang sử về cuộc sống ở cố đô Trung Quốc
Những ngôi mộ của tầng lớp quý tộc có thể chứa nhiều hiện vật hơn, nhưng những phát hiện mới đang làm sáng tỏ cuộc sống của 99% dân số triều đại nhà Thương.
Ân Khư, kinh đô của triều đại nhà Thương (khoảng 1600-1046 TCN), là thánh địa khảo cổ của Trung Quốc . Kể từ khi phát hiện ra “giáp cốt văn” (được gọi là “xương tiên tri” được sử dụng phổ biến thời nhà Thương với mục đích bói toán) gần thành An Dương vào đầu thế kỷ 20, qua các cuộc khai quật khảo cổ chính thức đầu tiên tại địa điểm này vào những năm 1920, những phát hiện đáng kinh ngạc như lăng mộ của nữ chiến binh Phụ Hảo, Ân Khư đã gây ấn tượng đặc biệt đối với nhiều thế hệ người Trung Quốc.
Phần lớn những hiểu biết về nhà Thương chỉ liên quan đến một bộ phận nhỏ của xã hội: tầng lớp quý tộc, giáo sĩ và hoàng gia.
Lấy xương tiên tri làm ví dụ. Các chữ khắc - hơn một trăm nghìn chữ đã được khai quật cho đến nay - bao gồm mọi thứ từ chính trị, kinh tế đến văn hóa và hệ tư tưởng nhà nước. Tuy nhiên, chỉ có hoàng gia mới có quyền triệu tập các nhà tiên tri và khắc các câu hỏi lên mai rùa hoặc xương trâu. Những câu hỏi được tìm thấy như là “Chuyến đi săn của ta có thành công không?” hay “Trời sắp mưa chưa?”
Một mảnh xương tiên tri và một hiện vật bằng đồng được trưng bày tại Bảo tàng Ân Khư, An Dương, tỉnh Hà Nam, tháng 5/2024. |
Một ví dụ khác là các hiện vật bằng đồng. Các bình bằng đồng được khai quật từ Ân Khư đại diện cho một số hiện vật tinh xảo nhất của Thời đại đồ đồng được phát hiện cho đến nay. Tuy nhiên, trong khi trước đây các học giả tin rằng đồng được sử dụng rộng rãi trong nông nghiệp và thủ công nghiệp thời nhà Thương, bằng chứng hiện nay cho thấy sản xuất thời Thương chủ yếu dựa vào các công cụ làm từ đá, gỗ, vỏ sò và xương. Đồ đồng chủ yếu được sử dụng cho mục đích nghi lễ và làm vũ khí chiến tranh, tượng trưng và củng cố quyền lực, sức mạnh và hệ tư tưởng của giai cấp thống trị.
Vậy còn các giai cấp khác của xã hội thì sao? Các nhà nghiên cứu tin rằng, vào thời kỳ đỉnh cao, dân số của Ân Khư có thể đã lên tới 300.000 người, phần lớn trong số đó là dân thường, thợ thủ công, thương nhân và người hầu.
Hà Vũ Lăng, trạm trưởng An Dương thuộc Viện Khảo cổ học của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết xã hội cuối thời Thương gồm ba tầng lớp xã hội: đứng đầu là hoàng tộc và quý tộc, chiếm khoảng 7% đến 10% tổng dân số. Lăng mộ của họ rất lớn, chứa đầy đồ tùy táng tinh xảo, cùng nhiều hiện vật hiến tế như người và động vật. Trong khi đó tầng lớp nô lệ, chiếm khoảng 3% đến 4% dân số, họ được chôn cất sơ sài, không có quan tài hay đồ tùy táng. Thường dân là tầng lớp ở giữa, chiếm 82% đến 87% dân số. Mộ của họ nhỏ hơn (dưới 3 mét vuông), không có hiến tế người, và chỉ có vài đồ gốm được dâng cúng.
Nhưng chính tầng lớp này đóng một vai trò quan trọng trong xã hội nhà Thương. Nhờ vào lao động của họ, dù là trong xây dựng, nông nghiệp, thủ công nghiệp, hay chăn nuôi, thành phố mới có thể hoạt động, bộ máy nhà nước mới có thể vận hành và các đồ bằng đồng của tầng lớp quý tộc mới được sản xuất.
"Trong các văn tự khắc trên xương tiên tri, hoàng tộc nhà Thương gọi họ là "đám đông" hoặc "trăm nghệ nhân"", ông Hà Vũ Lăng cho biết.
Nhưng ngoài những ngôi mộ sơ sài, đồ tùy táng và thi thoảng được nhắc đến trong xương tiên tri, “đám đông” này không để lại nhiều dấu vết. Giờ đây, những phát hiện mới cuối cùng cũng mang đến cho các nhà khảo cổ và sử học cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống của họ.
Theo tiêu chuẩn sống vào những năm 1000 TCN, điều kiện sống của dân thường thời nhà Thương không quá khắc nghiệt. Thành phố có hệ thống đường sá phát triển gồm các trục chính, đường phố và hẻm, cùng với mạng lưới nước bao gồm cống dẫn nước, kênh chính, các nhánh phụ và hồ chứa. Các kênh dẫn nước thậm chí còn có ống gốm và các giếng nước được trang bị bộ lọc thô sơ.
Mô hình tái hiện mô hình giếng nước từ thời nhà Thương được trang bị bộ lọc thô sơ, Bảo tàng n Khư, tháng 5/2024. |
Điểm nổi bật ở Ân Khư so với các thành phố cổ đại khác, đó là không có tường thành. Các học giả cho rằng điều này là do triều đại nhà Thương thống trị vùng Trung Nguyên. Các vị vua có lẽ đã nhận thấy rằng không cần phải xây tường phòng thủ - xét cho cùng, họ mới là những người đi gây chiến nơi khác.
Tuy nhiên, việc không có tường thành không có nghĩa là thường dân có thể tự do đi lại. Thay vào đó, phần lớn cuộc sống của họ chỉ diễn ra trong các khu vực cụ thể của thành phố, nơi họ sinh ra, lớn lên, làm việc và cuối cùng là được chôn cất.
Những khu vực này, được gọi là “thị trấn thị tộc”, mỗi nơi đều có bản sắc riêng biệt. Chúng bao gồm các khu dân cư, khu vực sản xuất và các khu mộ tập thể. Trong các thị trấn này, các gia đình sinh sống, làm việc và được an táng cạnh nhau, nghi thức mai táng đã thể hiện di sản chung của họ.
Hệ thống đô thị phức tạp này cho phép nghề thủ công cuối thời nhà Thương đạt được những thành tựu đáng kể. Đồ đồng trong giai đoạn này đã tăng kích thước đáng kể, tiêu biểu là chiếc Hậu Mẫu Ngô đỉnh được phát hiện vào năm 1939 tại Ân Khư. Với chiều cao 133cm và nặng đến 833 kg, nó vẫn là chiếc đỉnh đồng lớn nhất và nặng nhất được tìm thấy ở Trung Quốc.
Đỉnh Hậu Mẫu Ngô hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc. |
Theo Tô Dung Ngư, một nhà khảo cổ học luyện kim tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, những tiến bộ trong công nghệ đúc đồng là kết quả của các chiến dịch quân sự mạnh mẽ được tiến hành ở phía Nam của vương quốc. Vua Vũ Đinh, có lẽ là vị vua nổi tiếng nhất của triều đại và là người cùng thời với Ramses II, đã bắt giữ được số lượng lớn thợ thủ công đúc đồng và đưa họ về kinh đô, nơi họ truyền lại kinh nghiệm cho các thợ thủ công nhà Thương. Mặc dù không phải là nô lệ theo đúng nghĩa, nhưng những thợ thủ công lành nghề sẽ bị triều đình kiểm soát chặt chẽ. Vương Địch, một nhà nghiên cứu tại Trạm khảo cổ học An Dương, cho biết rằng các xưởng đúc đồng được phát hiện tại Ân Khư chủ yếu sản xuất các vật dụng trong nghi lễ, và các gia đình thợ thủ công chịu trách nhiệm sản xuất chúng, họ có thể sẽ bị hoàng gia kiểm soát chặt chẽ. Bằng cách kiểm soát này những gia đình này, hoàng gia có thể kiểm soát khâu sản xuất để phục vụ cho nghi lễ, vừa khuyến khích đổi mới đồng thời giới hạn công việc của họ trong kinh đô.
Tuy nhiên, không phải tất cả các thợ thủ công ở Ân Khư đều làm nghề đúc đồng. Nhiều công cụ bằng xương được khai quật từ thành phố, bao gồm đủ loại từ công cụ, đồ dùng, và vũ khí đến nhạc cụ, đồ trang sức, và tác phẩm nghệ thuật.
Lý Chí Bằng, một chuyên gia khảo cổ về động vật, đã thực hiện nhiều năm nghiên cứu thực địa tại ba địa điểm xưởng chế tác xương ở Ân Khư trong việc nỗ lực tái hiện các kỹ thuật cổ đại được sử dụng trong việc chế tác chúng.
Nghiên cứu của ông cho thấy rằng các vật liệu xương được sử dụng bởi thợ thủ công nhà Thương sử dụng có nguồn gốc từ nhiều loài động vật khác nhau bao gồm bò, trâu nước, lợn, cừu và hươu, nhưng bò là lựa chọn phổ biến nhất. Bất kể nguồn gốc của chúng, xương đều trải qua một quá trình lựa chọn cẩn thận, và các thợ thủ công đã khéo léo loại bỏ những phần khuyết điểm trước khi tiến hành chế tác.
Các công cụ bằng xương được khai quật từ Ân Khư Từ Bảo tàng An Dương. |
Khác với sự bảo vệ nghiêm ngặt về những bí mật của những vật dụng nghi lễ bằng đồng, các hiện vật bằng xương không được coi là “bí mật quốc gia”. Thay vào đó chúng có thể được sử dụng như hàng hóa.
“Ước tính cụ thể, diện tích kết hợp của ba xưởng chế tác xương chính ở Ân Khư khoảng 60.000 mét vuông", ông Lý cho biết. “Trong khu vực khảo sát của chúng tôi, trung bình có thể tìm thấy xương của sáu đến bảy con bò trên mỗi mét vuông. Điều này cho thấy xương của ít nhất 300.000 đến 400.000 con bò đã được sử dụng để làm các hiện vật.”
“Một số lượng lớn hiện vật bằng xương như vậy chắc chắn đã vượt xa nhu cầu tiêu dùng của hoàng gia và quý tộc”, ông Lý nói thêm. “Do đó, các nhà khảo cổ học tin rằng các sản phẩm của các xưởng chế tác xương ở Ân Khư có thể cũng được bán cho dân thường và thậm chí trao đổi mua bán với các khu vực ngoài kinh đô nhà Thương.”
Cho dù có tay nghề giỏi thì các thợ thủ công cũng không thoát khỏi những công việc lao động vất vả do các vua nhà Thương giao. Các dòng chữ khắc trên xương tiên tri đã chỉ ra những lần bạo hành như lao động cưỡng bức, trong đó quý tộc bắt dân thường làm những nhiệm vụ như canh tác đất và trồng trọt cho các điền trang của họ. Khi nhà Thương tiến hành các cuộc chiến xâm lược các nước lân cận, các thợ thủ công cũng phải tham gia chiến đấu. Những ghi chép về các cuộc chinh phạt và chống ngoại xâm được khắc trên xương tiên tri đã hé lộ phần nào đó về cái giá mà những cuộc chiến tranh mà dân thường phải chịu đựng.
Những ngôi nhà của dân thường đều không quá nguy nga - nhiều ngôi nhà là những công trình bán ngầm với diện tích chỉ 10 mét vuông - nhưng chúng vẫn là nhà ở. Ở đó, cư dân sẽ ngồi quỳ - vì khi ấy ghế chưa được phát minh - và cùng ăn uống với gia đình. Thực phẩm chính thường là hạt kê, thỉnh thoảng họ sẽ ăn thịt và các loại phổ biến nhất là thịt bò, thịt cừu và thịt lợn.
Nhưng để nói về những điểm nổi bật thời nhà Thương, rượu mới chính là tâm điểm. Uống rượu là niềm đam mê chung của người nhà Thương, từ quý tộc đến dân thường. Trong các ngôi mộ nhà Thương được khai quật tại Ân Khư, bất kỳ ai có địa vị đều được chôn cùng các bình rượu bằng đồng - ít nhất là một cốc và một bình rượu jue. Thường dân không đủ khả năng sở hữu những vật xa xỉ như vậy, nên họ sử dụng cốc và bình rượu jue bằng gốm thay thế. Các vật mai táng khác có thể không có nhưng rượu là điều không thể thiếu khi chôn cất.
Ngay cả khi say khướt, các thợ thủ công nhà Thương có lẽ chưa bao giờ nghĩ rằng họ có thể tồn tại lâu hơn chủ nhân của mình. Thế nhưng, sau hơn 3.000 năm phần lớn các thi thể của thành viên hoàng gia và quý tộc nhà Thương đa phần bị phân hủy thành bùn trong quan tài, trong khi thi thể được tìm thấy trong các ngôi mộ nhỏ thuộc về thường dân lại trong tình trạng tốt hơn nhiều.
Các nhà khảo cổ học nghiên cứu hiện tượng này tin rằng nguyên nhân nằm ở các đồ mai táng cùng: số lượng lớn đồ đồng được chôn cất trong các ngôi mộ vừa và lớn đã bị rỉ sét, đẩy nhanh quá trình ăn mòn xương. Cuối cùng, các vua Thương đã bị tiêu hủy bởi chính những thứ mà họ từng cai trị.
>> Kinh tế Trung Quốc ảm đạm làm giảm chi tiêu trong dịp ‘Tuần lễ Vàng’ 
'Ông lớn' làng công nghệ Trung Quốc khởi động dự án công nghệ cao tại Đồng Nai 
‘Cá mập’ Trung Quốc ngừng mua vàng tháng thứ 5 liên tiếp, giá vàng sắp tới sẽ ra sao?