Chuỗi tăng thần tốc của loạt cổ phiếu thời gian gần đây đã khiến lòng tham của thị trường tăng trở lại... Và câu chuyện chứng sĩ đu đỉnh tới đây sẽ được bàn luận nhiều hơn trên các diễn đàn.
Từ cuối tháng 4 đến nay, VN-Index đã tăng 90 điểm (+8,8%) và vượt mốc 1.125. Đây cũng là nhịp tăng mạnh nhất của thị trường sau gần 5 tháng.
Cùng thời điểm thị trường hồi phục, loạt cổ phiếu trên cả 3 sàn đã tăng trên 40% thậm chí tăng bằng lần chỉ sau hơn 1 tháng. Tâm điểm có thể kể đến các cổ phiếu EVG, QCG, CET, VC7,...
Từ đầu tháng 5, cổ phiếu EVG của CTCP Tập đoàn Everland (sàn HOSE) tăng 142% lên mức 8.160 đồng/cp trước khi điều chỉnh về vùng 7.830 đồng hiện tại.
Cùng thời điểm, mã VC7 của CTCP Tập đoàn BGI (sàn HNX) tăng 191% lên mức 20.400 đồng/cp. Đầu phiên sáng 14/6, mã đang giao dịch tại mức 19.500 đồng.
Hay như trường hợp cổ phiếu QCG của CTCP Quốc Cường Gia Lai (sàn HOSE) tăng từ 4.080 đồng/cp lên mức 12.850 đồng/cp (+215%). Đây cũng là tâm điểm được bàn luận trên nhiều diễn đàn khi tính tới đầu phiên sáng 14/6, mã tạm thời thiết lập chuỗi 14 phiên tăng trần.
Một trường hợp khác là cổ phiếu CET của CTCP HTC Holding (sàn HNX) đang có chuỗi 11 phiên tăng giá từ ngày 31/5 (trong đó có 9 phiên trần từ đầu tháng 6). Thậm chí phiên sáng nay, cổ phiếu này có thời điểm được giao dịch tại mức trần 9.900 đồng/cp. Tạm tính tại mức giá này, cổ phiếu CET đã tăng 148%.
Điểm chung của cả 4 cổ phiếu nêu trên là đều ghi nhận thanh khoản tăng mạnh với vai trò dẫn dắt của dòng tiền lớn. Có thể thấy, việc cổ phiếu tăng giá nhờ câu chuyện riêng của doanh nghiệp là vấn đề không mới song mức tăng vượt 200% lại trở thành dấu hỏi; một mức P/E quá cao liệu còn đáng để đầu tư?
Với CTCP Tập đoàn Everland , ngày 24/4 vừa qua, hơn 215 triệu cổ phiếu EVG đã được Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) bổ sung vào danh sách cảnh báo với lý do báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 có ý kiến ngoại trừ của kiểm toán.
Cuối tháng 5/2023, công ty đã thông qua kế hoạch doanh thu kỷ lục 1.800 tỷ đồng và lãi ròng gần 133 tỷ - lần lượt tăng 41% và 416% so với thực hiện trong năm 2022.
Thực tế, Tập đoàn Everland là doanh nghiệp có sức khỏe tài chính tương đối lành mạnh khi tổng tài sản đến cuối quý 1/2023 ở mức 2.664 tỷ đồng; nợ phải trả giảm còn 65,2 tỷ và vốn chủ sở hữu gần 2.600 tỷ.
Dù vậy, cần nhấn mạnh rằng khả năng sinh lời của Everland là rất thấp; biên lợi nhuận gộp năm 2019 chỉ đạt 6,5% trước khi giảm còn 2,9% trong năm 2022.
Việc lãi ròng 8 năm qua chưa một lần vượt mức 30 tỷ/năm trở thành lý do khiến công ty "lười" chia cổ tức ngoại trừ đợt trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 5% (tháng 7/2018) và cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 5% (tháng 1/2022).
Với cổ phiếu của CTCP Quốc Cường Gia Lai , trong văn bản giải trình gần nhất, công ty cho biết, giá cổ phiếu tăng trần là sự việc khách quan, nằm ngoài kiểm soát của doanh nghiệp. QCG không có bất kỳ sự tác động nào làm ảnh hưởng đến giá giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Kỳ vọng lớn có lẽ đến từ việc Quốc Cường nhận được Quyết định thi hành án chủ động của Cục Thi hành án dân sự TP. HCM về việc hoàn trả cho công ty số tiền gần 17 tỷ đồng đang tạm giữ tại tài khoản của Cơ quan an ninh điều tra Công an TP. HCM và thông tin về kết quả phán quyết của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam liên quan đến vụ kiện đã công bố trước đây với Sunny Island (QCG là nguyên đơn).
Trong tranh chấp này, việc thu hồi được dự án Phước Kiển đang được kỳ vọng trở thành đòn bẩy giúp tình hình kinh doanh của Quốc Cường khởi sắc hơn trong thời gian tới.
Soi vào bức tranh tài chính, từ năm 2018 đến nay, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của công ty đều âm (ngoại trừ năm 2021 tăng 31%). Đây cũng là giai đoạn cổ đông QCG bắt đầu thiếu vắng mùi vị cổ tức.
Quý 1/2023, Quốc Cường Gia Lai chỉ báo lãi ròng 900 triệu đồng.
Tại thời điểm 31/3, trong cơ cấu 9.733 tỷ đồng tổng tài sản, QCG ghi nhận tới gần 7.100 đồng giá trị hàng tồn kho (chiếm tỷ lệ 73%); nợ phải trả ở mức 5.400 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc công ty đang bị chôn vốn kéo dài trong danh mục hàng tồn kho - vốn đã duy trì trên ngưỡng 7.000 tỷ đồng từ quý 2/2018. Ngược lại, việc bán hàng của QCG diễn ra rất chậm trong nhiều quý đã qua.
Với CTCP Tập đoàn BGI , dù chưa một lần báo lỗ năm song tình hình kinh doanh của công ty kể từ 2007 tới nay là khá thất thường. Sau 3 năm liên tiếp ghi nhận doanh thu đi ngang 120 tỷ đồng/năm, BGI bất ngờ báo doanh thu tăng 161% trong năm 2022 (đạt 325 tỷ). Dù vậy, lợi nhuận vẫn chưa thực sự khởi sắc (đạt hơn 12 tỷ).
Quý 1/2023, công ty báo lãi sau thuế chưa đầy 500 triệu đồng.
Ngày 19/6 tới, Tập đoàn BGI sẽ họp ĐHCĐ thường niên 2023 dự kiến trình kế hoạch kinh doanh với doanh thu tăng lên mức 417 tỷ đồng và 87 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (gấp 6,7 lần cùng kỳ). Mức cổ tức dự kiến là 15% trong khi trình phương án không chia cổ tức năm 2022 thay vì mức 10% như dự kiến.
Doanh nghiệp này cũng đề xuất thông qua kế hoạch chào bán cổ phiếu tăng vốn năm 2023 với số lượng dự kiến hơn 48 triệu đơn vị (tỷ lệ 1/1); giá phát hành 10.000 đồng/cp. Nếu hoàn tất, vốn điều lệ của công ty sẽ tăng gấp đôi lên mức 961 tỷ đồng.
Trong khi đó, CTCP HTC Holding là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu các loại tinh dầu tự nhiên (sản phẩm chủ đạo là tinh dầu quế với quy mô vốn điều lệ chỉ hơn 60 tỷ đồng). Nếu không xuất hiện chuỗi tăng trần, cổ phiếu CET có lẽ vẫn là gương mặt lạm lẫm trên thị trường chứng khoán.
Năm 2022, dù doanh thu ghi nhận mức đột biến gần 98 tỷ đồng song lãi sau thuế của CET chỉ chưa đầy 1 tỷ. Quý 1/2023, công ty đạt doanh thu gần 24 tỷ đồng, lãi sau thuế 0,2 tỷ.
Trước đó như chúng tôi đã từng thông tin trong bài viết Shopping cổ phiếu mid/smallcap hiện tại: Cẩn thận mua phải "hàng lởm", mắc kẹt ngọn thông, thời gian qua, nhiều cổ phiếu mid/smallcap bất ngờ tăng mạnh trong khi nội tại yếu. Một số mã bứt phá nhờ các giao dịch của dòng tiền tạo lập; nhiều nhà đầu tư đua lệnh giá trần phiên ATO vẫn không thể khớp; có mã tạo tín hiệu điều chỉnh (giả) trước khi tăng trở lại khiến cổ đông nhỏ lẻ "mất hàng"; một số mã mở gap tăng thu hút dòng tiền trước khi đảo chiều giảm ngay sau đó.
Câu chuyện cổ phiếu QCG chuyển từ tăng trần sang giảm sàn chỉ trong 6 giây (từ 10h10'52'' đến 10h10'58'') phiên sáng 14/6/2023 là một ví dụ cho thấy những rủi ro tiềm ẩn.
Vì điều này, bà Đỗ Thu Hà - Chuyên viên Tư vấn đầu tư tại CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) khuyến nghị nhà đầu tư nên chọn các doanh nghiệp tốt và có dấu hiệu dòng tiền lớn chỉ mới bắt đầu nhập cuộc hoặc cổ phiếu có nhịp điều chỉnh và cho điểm mua an toàn để tránh các rủi ro.
Ngoài ra, câu chuyện dùng đòn bẩy margin cũng nên được cân nhắc - đặc biệt tại các cổ phiếu penny đã tăng cao và có nền tảng cơ bản kém.
Doanh nghiệp BĐS quy mô 4.500 tỷ tại Hà Nội đẩy mạnh giao dịch với công ty cũ của Novaland 
Kết thúc quý III/2024, Tập đoàn Everland (EVG) hoàn thành 77% kế hoạch doanh thu